Phát triển nhân lực logistics

1. Thực trạng nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam

          Theo Hiệp hội VLA, hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, 70% trong số đó đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. 89% là doanh nghiệp có 100% vốn trong nước, số còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ươc tính, tổng số lao động hoạt động trong ngành logistics đạt xấp xỉ 1,2 triệu người. Ngành logistics của Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về vấn đề nguồn nhân lực. Cũng theo kết quả khảo sát của VLA, 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên. Trong khi, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực hiện không đáp ứng được yêu cầu của ngành dịch vụ logistics, đặc biệt thiếu cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiêu chí

Tỷ lệ (%)

Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm 15-20%

50%

Lao động được đào tạo bài bản về logistics

5-7%

Nhân lực thông thạo tiếng Anh

4%

Doanh nghiệp đào tạo lại nhân viên

30%

Doanh nghiệp hài lòng với trình độ nhân viên

6,7%

Nhu cầu và trình độ nhân lực trong ngành logistics tại Việt Nam

          Thị trường dịch vụ logistics Việt Nam phát triển gần đây, với nguồn nhân lực trẻ, năng động, sẵn sàng đối mặt thách thức. Việt Nam có dân số trẻ, là lợi thế lớn cho ngành logistics nếu đào tạo bài bản. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, giúp logistics và quản lý chuỗi cung ứng kết nối các khâu trong và giữa doanh nghiệp. Dù là ngành xương sống, nhưng nguồn lao động logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và công nghệ.

2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thời gian qua

          Những năm qua, phát triển nhân lực logistics tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động logistics tại Việt Nam. Bên cạnh chương trình đào tạo chính quy ở bậc đại học và cao đẳng, các chương trình đào tạo chuyên sâu và các khóa học ngắn hạn được triển khai rộng rãi. Nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo nghề hợp tác với các doanh nghiệp logistics để xây dựng các chương trình học gắn liền với thực tiễn, giúp sinh viên và người lao động có cơ hội tiếp cận với những công nghệ và quy trình mới nhất trong ngành. Nhiều trường đại học xây dựng chuyên khoa đào tạo về logistics và quản trị chuỗi cung ứng, tổ chức một cách qui mô, chuẩn mực dưới nhiều hình thức như khoa, bộ môn chuyên ngành hay viện đào tạo như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Thăng Long,…

          Hiện tại Việt Nam có khoảng 50 cơ sở đào tạo có đào tạo ngành/lĩnh vực nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Các trung tâm đào tạo logistics tại các khu vực kinh tế trọng điểm được đầu tư nâng cấp, với mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 nhân lực logistics có tay nghề cao mỗi năm. Những chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn chú trọng đến thực hành, giúp học viên có kỹ năng thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế, mang đến cơ hội trao đổi học thuật và thực tập tại các quốc gia có nền logistics phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Singapore. Các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, vận tải đa phương thức và logistics xanh thu hút sự tham gia của hàng nghìn học viên.

          Năm 2023 - 2024 chứng kiến bước tiến đáng kể trong đào tạo ngành logistics tại Việt Nam. Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu về các chuyên gia logistics có trình độ cao. Để đáp ứng yêu cầu này, các trường đại học đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo. Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết vững chắc, mà còn được rèn luyện kỹ năng thực hành thông qua các dự án thực tế và cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu như VinFast, Thế Giới Di Động. Đặc biệt, sự tích hợp sâu rộng của công nghệ thông tin, như việc ứng dụng các phần mềm quản lý kho và các công cụ phân tích dữ liệu, đã giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc hiện đại. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa chương trình đào tạo với các chương trình liên kết quốc tế và chuyên sâu cũng
mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên.

Anh-tin-bai

 

Phát triển nhân lực logistics

3. Nhu cầu nhân lực logistics

          Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong ngành logistics tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành một trung tâm logistics quan trọng. Tuy nhiên, để tận dụng hết tiềm năng này, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều không thể thiếu. Theo Bộ Công Thương, ngành logistics Việt Nam hiện đang đối mặt với một khoảng trống lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Nhu cầu về nhân lực trong ngành này dự kiến sẽ tăng mạnh, từ khoảng 1,2 triệu người hiện tại lên tới 2,5 triệu người vào năm 2030 (Bộ Công Thương, 2024). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 - 7% lực lượng lao động trong ngành logistics được đào tạo bài bản, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực có trình độ. Một yếu tố quan trọng khác là sự phát triển của thương mại điện tử. Theo số liệu của Statista, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt mức 13,1 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2025. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về các dịch vụ logistics như kho vận, giao nhận và vận chuyển hàng hóa. Các công ty logistics cần có nhân lực đủ năng lực để quản lý và vận hành các hệ thống này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những yêu cầu mới về kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động trong ngành logistics. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và blockchain đang được ứng dụng rộng rãi để tối ưu hóa quy trình logistics, từ quản lý kho hàng đến vận chuyển và giao nhận. Do đó, nhân lực trong ngành cần được đào tạo về các công nghệ mới này để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

          Theo nghiên cứu của Savills (2024), các công ty logistics tại Việt Nam đang tìm kiếm những nhân sự có khả năng sử dụng các phần mềm quản lý logistics hiện đại như Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và Hệ thống quản lý vận tải (TMS). Việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng công nghệ thông tin khiến nhiều công ty phải đầu tư vào việc đào tạo lại nhân viên hoặc thuê chuyên gia từ nước ngoài. Nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao trong các lĩnh vực chuyên môn hóa của logistics, chẳng hạn như logistics xanh và bền vững. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến việc giảm thiểu tác động môi trường thông qua việc sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và tối ưu hóa quy trình logistics để giảm thiểu khí thải carbon. Điều này đòi hỏi nhân lực có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực logistics xanh. Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 53,3% doanh nghiệp logistics thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, và chỉ 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên (Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, 2023). Điều này phản ánh nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong ngành. Chương trình đào tạo logistics cần cải thiện và mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngành. Các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề nên hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ và quy trình mới. Khuyến khích học tập suốt đời và đào tạo lại nhân viên cũng quan trọng. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực logistics như học bổng, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo.

          Việc tạo điều kiện thực tập và liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cũng giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngành. Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đến logistics như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, và các trường đại học để phát triển chương trình đào tạo logistics phù hợp với nhu cầu thị trường./.

Ngô Tuấn Anh - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com