MES – Bước chuyển cần thiết để doanh nghiệp sản xuất bứt phá

Những nỗi đau mà doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường: chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thiếu hụt lao động, yêu cầu khách hàng khắt khe hơn và sự thay đổi liên tục từ phía thị trường. Điều hành sản xuất trong bối cảnh như vậy là một bài toán phức tạp, đặc biệt khi dữ liệu vẫn được xử lý theo cách thủ công, rời rạc và thiếu kết nối.

Nhiều nhà máy vẫn dựa vào Excel, ghi chép tay hoặc trí nhớ cá nhân để quản lý sản xuất. Hệ quả là khi phát sinh sự cố, không ai biết rõ lỗi ở công đoạn nào, máy nào, ca nào. Tình trạng chậm tiến độ, sản phẩm lỗi lặp lại, tồn kho không kiểm soát được, hay khó xác định hiệu suất thực tế diễn ra thường xuyên.

Dù đã đầu tư nhiều vào máy móc hiện đại, nhưng hiệu quả vận hành không tăng tương xứng. Nguyên nhân cốt lõi là thiếu một hệ thống điều hành sản xuất thời gian thực – nơi mà mọi hoạt động được theo dõi, phân tích và phản hồi liên tục.

Anh-tin-bai

Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn triển khai phần mềm MESManufacturing Execution System – như một giải pháp nền tảng cho quá trình số hóa và tối ưu vận hành.

MES là gì và giúp ích gì cho doanh nghiệp?

MES là hệ thống phần mềm điều hành sản xuất tại nhà máy. Phần mềm này giúp doanh nghiệp kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất – từ nguyên vật liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra – theo thời gian thực. MES không thay đổi cách doanh nghiệp sản xuất, mà giúp nhà máy nhìn thấy rõ từng hành động, từng dữ liệu, từng điểm nghẽn để cải thiện nhanh chóng và chính xác.

Với MES, mọi lệnh sản xuất, tiến độ thực tế, chất lượng, năng suất, trạng thái máy móc, nguyên liệu sử dụng… đều được hiển thị minh bạch, chính xác và kịp thời. Người quản lý không còn phải chờ đến cuối ngày để biết chuyện gì đang xảy ra – mà có thể phản ứng ngay khi dữ liệu phát sinh.

Lợi ích cụ thể khi triển khai MES

-  Kiểm soát tiến độ sản xuất theo thời gian thực, tránh chậm giao hàng

-  Giảm lãng phí nhờ phát hiện lỗi sớm và kiểm soát nguyên vật liệu

-  Tăng năng suất do giảm thời gian dừng máy và cải thiện luồng sản xuất

-  Truy xuất nguồn gốc rõ ràng: biết mỗi lô hàng dùng nguyên liệu gì, ai sản xuất, công đoạn nào

-  Giúp lãnh đạo ra quyết định chính xác dựa trên dữ liệu thay vì cảm tính

Chi phí triển khai MES – Bao gồm IoT nâng cao và thiết bị hỗ trợ

Để phần mềm MES hoạt động toàn diện, ngoài phần mềm và cảm biến cơ bản, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống thiết bị hỗ trợ thu thập, hiển thị và tương tác dữ liệu.

Mỗi máy sản xuất trung bình cần từ 5 thiết bị IoT:

-  Cảm biến đếm sản lượng

-  Cảm biến nhiệt độ hoặc áp suất

-  Cảm biến đo thời gian hoạt động (uptime/downtime)

-  Cảm biến tốc độ

-  Bộ gateway kết nối với hệ thống MES

Ngoài ra, cần trang bị thêm:

ü Máy tính bảng cho tổ trưởng hoặc kỹ thuật viên thao tác nhanh tại hiện trường (ghi nhận lỗi, xác nhận sản lượng, chụp hình hiện trường…)

ü Màn hình TV hiển thị dashboard sản xuất tại từng phân xưởng để hỗ trợ phản ứng nhanh và minh bạch dữ liệu

Anh-tin-bai

📌 Ví dụ chi phí triển khai đầy đủ cho nhà máy 10 máy sản xuất:

Hạng mục

Quy mô

Chi phí

Thiết bị IoT (5 thiết bị/máy × 10 máy)

50 thiết bị

250 triệu VNĐ

Máy tính bảng

10 thiết bị

60 triệu VNĐ

Màn hình TV hiển thị

3 bộ

40 triệu VNĐ

Phần mềm MES (bản quyền hàng năm)

Gói tiêu chuẩn

200 triệu VNĐ

Triển khai, đào tạo hướng dẫn vận hành

Trọn gói

150 triệu VNĐ

Tổng đầu tư ước tính

700 triệu VNĐ

Thu hồi vốn – Từ hiệu quả giảm lãng phí và tăng năng suất

Mức đầu tư ban đầu có thể cao hơn nếu tích hợp thêm IoT và phần cứng, nhưng thời gian thu hồi vốn (ROI) hoàn toàn khả thi.

Ví dụ thực tế:

Doanh nghiệp tiêu thụ 2 tỷ đồng nguyên vật liệu/tháng

Chỉ cần giảm 3% lãng phí → tiết kiệm 60 triệu/tháng

Thu hồi vốn sau 12 tháng, sang các năm tiếp theo bạn sẽ phải bỏ ra 200 triệu để mua bản quyền phần mềm MES và 20% của các chi phí cố định để bảo dưỡng các máy móc thiết bị ~ 70 triệu đồng.

Ngoài ra:

-  Tăng năng suất 5–10%

-  Giảm tỷ lệ hàng lỗi, sai công đoạn

-  Giảm áp lực lên nhân sự quản lý nhờ tự động hóa báo cáo

Kết luận

MES không chỉ là một phần mềm – mà là nền tảng điều hành nhà máy thông minh, giúp doanh nghiệp làm chủ dữ liệu sản xuất, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh một cách bền vững.

Không có dữ liệu, quản lý là cảm tính – với MES, quản lý trở thành khoa học. Nếu bạn muốn nhà máy hoạt động hiệu quả hơn mỗi ngày, hãy bắt đầu bằng việc nhìn rõ từng phút của sản xuất – đó là điều MES mang lại./.

Phùng Mạnh Hùng - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
 
12345678910...
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com