Cần giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Nghệ An chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại nhiều quốc gia và ở Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 98.954 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm bị sụt giảm trong giai đoạn 2015-2020. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019, số doanh nghiệp thành lập mới bình quân mỗi năm tăng 14,3%. Có 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 38,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 81,8% với cùng kỳ năm 2019.
Đến nay, có trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Mặt khác, có khoảng 3,3% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, những doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong các ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát, ....
Doanh thu của khu vực doanh nghiệp giảm, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn. Lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ lao động giảm ở mức cao nhất.
Tại Nghệ An, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến doanh nghiệp, người lao động. Qua khảo sát bước đầu ở tỉnh, có gần 300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với số lao động bị ảnh hưởng là hơn 10.000 người; trong đó, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động gần 900 người, lao động tạm ngừng việc hơn 5.000 người, lao động bị ảnh hưởng phải nghỉ luân phiên hơn 4.000 người.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang phải chuyển sang hoạt động cầm chừng, khiến gần 7.000 lao động bị ảnh hưởng thu nhập. Mặc dù, trong thời gian này hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng khắc phục khó khăn, để chi trả lương và đảm bảo các quyền lợi khác cho người lao động. Song, người lao động chỉ đạt được tối thiểu từ 30 - 70% thu nhập bình quân.
Xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan
Trước tình hình đó, hơn ai hết, các doanh nghiệp đang tự mình tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bằng nhiều biện pháp như: pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động; sản xuất/cung cấp mặt hàng/dịch vụ mới theo nhu cầu của thị trường trong giai đoạn dịch bệnh; chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ chủ lực; đẩy mạnh thương mại điện tử.
Để đạt mục tiêu vừa kiểm soát, khống chế dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, các doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng internet, mạng xã hộ trực tuyến, các ứng dụng chuyên biệt hoặc các nền tảng số, trong đó Marketing, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng, quản trị nội bộ doanh nghiệp được tăng cường sử dụng để ứng phó với dịch co vid 19.
Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomas Fuel, Khu Công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
Để giảm thiểu tối đa tác động và những hệ lụy của đại dịch COVID -19 gây ra cho DN và nền kinh tế, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp. Các biện pháp thực hiện vừa phải đảm đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu COVID -19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.
Rà soát và điều chỉnh đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ DN về thuế, tín dụng, lao động... thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ thanh toán các khoản nợ công cho các DN đúng quy định. Xem xét có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và sử dụng nhiều lao động như DN trong các ngành du lịch, dệt may, da giày, hàng không,... và các khách hàng là DNNVV.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả thực thi và đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của DN; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, như Trung Quốc và Ấn Độ…
Bùi Thị Hương Giang – Phòng Khuyến công