Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết
Nguyên đán 2025. Đây được coi là đợt sản xuất lớn nhất trong năm, do đó, những
ngày này, người dân làng biển trong tỉnh đang tất bật chuẩn bị hải sản để kịp
cung ứng ra thị trường.
Cấp tập chế biến, đóng gói
Cuối năm, tại các kho đông ở xã
Quỳnh Lập, không khí cũng tất bật, khẩn trương không kém. Những chuyến xe chở
nguyên liệu từ bến về kho, công nhân liên tục bốc dỡ, sơ chế, đóng gói và cấp
đông trữ hàng Tết. Chị Nguyễn Thị Thu - chủ cơ sở chế biến hải sản Mỹ Thu ở xã
Quỳnh Lập cho biết: “Hiện chúng tôi chuẩn bị gần 8 tấn hàng với 2 kho đông để
phục vụ thị trường Tết. Trong đó, chủ yếu là mực, tôm nõn, cá trỏng, các loại
cá ướp gia vị...".
Riêng mặt hàng mực ống, mực khô,
mực một nắng rất được ưa chuộng trong dịp Tết. Do đó, các kho đông đang tích cực
trữ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại cơ sở chế biến hải sản Biển Chuyên hiện
đang cấp tập chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Mỗi ngày, có 10 lao động sơ chế,
hấp, phơi đóng gói mực các loại. Hiện 2 kho đông lạnh, nguồn hàng đạt 70% với số
lượng trên 10 tấn hải sản đã được cấp đông, trong đó, chủ yếu là mực khô, mực
tươi.
Xác định Tết là dịp tiêu thụ lớn
nhất trong năm, nhất là những mặt hàng chế biến sẵn như: ruốc bông cá thu, tôm,
mực tẩm bột chiên xù, chả cá thu, chả mực... do đó, thời điểm này, Công ty TNHH
Hải sản Tâm Tài ở phường Nghi Thủy, TP.Vinh đang dồn sức chế biến và dự trữ
hàng. Theo dự toán, dịp Tết này, công ty sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 25-30
tấn cá thu; hàng chục tấn tôm, mực chế biến sẵn. Trong đó, chủ yếu là cấp sỉ
cho các đại lý, các tiểu thương và một phần bán cho các khách lẻ mua làm quà biếu.
Chị Nguyễn Thị Tài - đại diện Công ty TNHH Hải sản Tâm Tài cho biết: “Bình thường,
công ty chỉ có 25 công nhân, thì dịp này phải thuê thêm 30 lao động thời vụ để
làm hàng Tết. Bên cạnh bán hàng qua kênh trực tiếp thì Tết năm nay, chúng tôi đẩy
mạnh kênh bán hàng online, qua sàn thương mại điện tử, do đó, chúng tôi chú trọng
việc xây dựng mẫu mã, tem, nhãn mác và đóng gói đúng quy cách, đáp ứng nhu cầu,
thị hiếu ngày càng cao của khách hàng".
Thiếu nguồn cung, giá nguyên liệu tăng nhẹ
Tháng cuối cùng của năm, tranh thủ
thời tiết thuận lợi, ngư dân tích cực vươn khơi, bám biển đánh bắt. Tàu thuyền
cập bến, tôm, cá, mực được các thương lái thu mua ngay để cung ứng nguyên liệu
cho các cơ sở chế biến. Ông Phùng Bá Thu - chủ đội thuyền đánh bắt xa bờ ở phường
Nghi Thủy cho biết: “Liên tục bám biển, có nhiều mẻ lưới trúng đậm tôm, cá, mực,
cuối năm nhu cầu trữ hàng Tết tăng cao nên tàu vừa cập bến các chủ xưởng đã đón
mua trước. Hầu hết, khi tàu ra khơi, các chủ xưởng chế biến ở nhà đã gọi điện
"cọc" hàng".
Nhu cầu chế biến tích trữ hàng Tết
tăng cao, nhưng thời điểm này, nguồn nguyên liệu hải sản khá khan hiếm. Chị Lê
Thị Nhung - chủ cơ sở chế biến hải sản tại xã Quỳnh Lập cho biết: “Bình thường
mỗi ngày cơ sở chúng tôi chỉ sơ chế khoảng 5-6 tạ hải sản, nay vào vụ Tết nên sản
lượng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, năm nay, do thiên tai, mưa bão và nguồn hải sản
khai thác cũng không nhiều như trước nên nguồn cung hạn chế. Từ tháng 9 đến
nay, chúng tôi đã phải tăng thu mua nguyên liệu tươi sống để về chế biến".
Nhiều cơ sở chế biến hải sản quy
mô, sản lượng lớn, nguồn cung nguyên liệu nội tỉnh không đủ đáp ứng phải mua ở
các tỉnh khác về, thậm chí nhập khẩu. Ông Trương Như Hùng - chủ cơ sở cá thu nướng
Cửa Lò (Nghi Hải, TP.Vinh) cho biết: "Riêng dịp Tết, sản lượng tiêu thụ cá
thu tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Do đó, ngoài thu mua nguyên liệu trong tỉnh,
trong nước thì chúng tôi còn phải nhập khẩu cá thu của Hàn Quốc, Indonesia về mới
đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến và cung ứng ra thị trường”.
Không chỉ khan nguồn cung mà giá
cả các loại hải sản bắt đầu tăng giá thêm 20% so với trước đó và 10% so với
cùng kỳ năm ngoái. Ông Dương Hà Nam - chủ một cơ sở chế biến hải sản ở xã An
Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết: “Riêng mặt hàng mực khô đã tăng khoảng 100.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là giá nguyên liệu nhập vào tăng, tiền điện tăng nên giá thành sản
phẩm buộc phải tăng theo".
Các kho đông lạnh đầy ắp Hải sản phục vụ Tết
Theo số liệu thống kê, Tổng sản
lượng thủy sản tháng 11 năm 2024 ước đạt 18.129,6 tấn, tăng 2,7% (+476,3 tấn)
so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng thủy sản tăng nhẹ, nhu cầu tiêu
dùng, xuất khẩu tăng nên bà con ngư dân nỗ lực vươn khơi đánh bắt. Hiện toàn tỉnh
Nghệ An có khoảng 200 kho đông lạnh với công suất thiết kế 40.000 tấn, trữ lượng
dự trữ thực tế mỗi năm 28.000 - 29.000 tấn sản phẩm, tập trung chủ yếu ở Cửa
Lò, Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, sản phẩm chủ yếu là cá, mực đông lạnh.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp
Tết, nhất là đối với sản phẩm hải sản khô, hải sản cấp đông, các ngành chức
năng, các địa phương tuyên truyền các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, cửa hàng
đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra nguồn
gốc xuất xứ hàng hóa, bán đúng giá niêm yết./.