Hoa sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của người Việt Nam; là biểu tượng tâm hồn, khí phách, bản sắc dân tộc Việt Nam anh hùng. Hoa sen cũng được mệnh danh là hoa Phật, thể hiện sâu sắc những tư tưởng, triết lý và chân lý giác ngộ trong đạo Phật. Bên cạnh giá trị văn hoá tinh thần sâu sắc, hiện nay, cây hoa sen còn đem lại nhiều giá trị trong đời sống hàng ngày của người dân Nam Đàn nói chung và du khách nói riêng. Giá trị từ hoa sen, đài sen, tâm sen, củ sen, lá sen, liên tu sen đều là các sản phẩm sử dụng hữu ích hàng ngày, ngoài ra thân cây sen cũng là nguyên liệu dệt thành tơ sen.
Cây sen ở đã gắn kết mật thiết bao đời nay đối với người dân quê Bác. Xưa kia, mảnh đất ngày nổi tiếng nhiều sen và sen đã làm nên tên đất, tên làng với các địa danh: Kim Liên, làng Sen, Cồn Sen, Bàu Sen, Đầm Sen …Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do quá trình đô thị hoá và sự phát triển kinh tế, nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, diện tích trong sen bị thu hẹp lại dần. Với trăn trở khôi phục và tạo dựng cảnh quan, không gian quê hương Nam Đàn nói chung và Kim Liên nói riêng mang đậm dấu ấn và điểm nhấn về sen, gắn với phát huy các giá trị từ sen cho mục tiêu phát triển kinh tế, gắn với địa danh du lịch, nhằm nâng cao đời sống của người dân, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Nam Đàn đã quyết tâm chỉ đạo mở rộng diện tích trồng sen. Theo đó, những diện tích ao hồ, diện tích thấp trũng trồng lúa kém hiệu quả ở nhiều xã trên địa bàn huyện được nghiên cứu chuyển sang trồng sen. Tính từ thời điểm năm 2018, sen chỉ tập trung ở xã Kim Liên với diện tích khiêm tốn thì nay toàn huyện đã có hơn 50 ha. Ngoài xã Kim Liên, ở các xã Nam Giang, Nam Anh, Nam Thanh, Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn cũng đã có một số diện tích trồng sen. Từ chỉ giống sen hồng bản địa thuộc dòng sen cổ màu hồng sọc tím, đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có 27 giống sen thuộc dòng sen trắng và hồng. Điển hình giống sen Bạch Liên đài xanh; sen Bách Diệp hồng; sen Bạch Diệp viền hồng, sen Pagoda, sen táo, sen ánh trắng,……

Không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan, không gian văn hoá làng quê, từ cây sen, thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã xây dựng 11 sản phẩm từ sen, trong đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 3 sao và 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực.
Ông Phạm Kim Tiến giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen Quê Bác chia sẻ để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là khách du lịch khi đến với quê hương Nam Đàn. Hiện tại các sản phẩm từ cây sen HTX đã sản xuất ra các các sản phẩm trà lá sen; trà ướp bông sen; trà liên tu; trà ướp gạo sen; trà tâm sen; trà bạch liên nữ vương; hạt sen sấy của HTX nông Nghiệp Sen quê Bác đã được khách hàng ở hầu hết khắp tỉnh thành trong cả nước đặt mua sử dụng. Đặc biệt, hiện nay các sản từ Sen do HTX nông nghiệp sen Quê Bác đang tiến hành hoàn thành các thủ tục tiểu ngạch và đàm phán về giá để xuất sang Hàn Quốc để tiêu thụ.
Trong định hướng phát triển của UBND huyện Nam Đàn, cây sen là một trong những cây yêu cầu cần được mở rộng về diện tích khoảng hơn 200 ha đến năm 2025, bởi cây sen nó vừa mang giá trị văn hoá tinh thần sâu sắc, vừa đem lại kinh tế cao, theo tính toán, trồng sen có giá trị cao gấp 3 lần so với trồng lúa cùng diện tích, cùng vụ. Đặc biệt, từ cây sen còn tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng quê Bác, tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ khách du lịch về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh.. Để khẳng định tiềm năng, thế mạnh về thương hiệu sản phẩm từ cây sen. Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đưa ra một số giải pháp nhằm tuyên truyền,vận động người dân, tạo sự thuyết phục người dân trong chuyển đổi diện tích ao nuôi cá và diện tích lúa sâu trũng kém hiệu sang trồng sen, cung cấp cây sen giống, hướng dẫn kĩ thuật trồng sen, và trực tiếp bao tiêu sản phẩm sen cho người dân trên địa bàn, xây dựng một số ao sen mang tính chất quảng bá thương hiệu về các sản phẩm cây sen, làm điểm nhấn cho khu khách khi đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Cùng với đó chính sách hỗ trợ từ nguồn khuyến công đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nam Đàn. Cụ thể năm 2020 đã hỗ trợ cho Hợp tác xã nông nghiệp sen Quê Bác từ nguồn khuyến công địa phương (200 triệu đồng) và năm 2023 đã hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc Gia cho Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ & Đầu tư Lộc Phát (300 triệu đồng) để đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất thay thế hệ thống máy móc đã cũ không phù hợp với tình hình sản xuất.Từ nguồn hỗ trợ doanh nghiêp đã khẳng định được hiệu quả từ nguồn hỗ trợ khuyến công đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có chất lương, đẹp về mẫu mã, sản phẩm phong phú hơn đa dạng, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm thường xuyên ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Nam Đàn và các vùng lân cận./.