Đưa hàng Việt về miền núi còn nhiều khó khăn

Nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Nghệ An, hằng năm, các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các mặt hàng sản xuất trong nước bảo đảm về chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Công ty Cổ phần Thuỷ sản Nghệ An là đơn vị gắn bó với chương trình đưa hàng Việt về miền núi từ những ngày đầu mới tổ chức. Với hàng trăm sản phẩm  tương đối phù hợp với thị hiếu, thu nhập của người dân nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, Công ty tham gia tất cả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi do Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương Nghệ An (Sở Công Thương) tổ chức. 

Anh-tin-bai

Ông Trần Ngọc Tú, đại diện kinh doanh của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Nghệ An cho biết: Được Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương - Sở Công Thương Nghệ An hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng, phí vệ sinh môi trường, điện, nước, quảng cáo, chúng tôi đã có nhiều thuận lợi khi tham gia phiên chợ. Ngoài lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm tại phiên chợ, tham gia phiên chợ, chúng tôi còn có cơ hội để giới thiệu sản phẩm đến với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tạo uy tín đối với người tiêu dùng khu vực miền núi.

Nhằm từng bước thay đổi thói quen dùng hàng Việt trong mua sắm của người dân nông thôn, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương Nghệ An đã tổ chức được 02 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại các xã trên địa bàn tỉnh. Mỗi phiên chợ thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia với 20 gian hàng tiêu chuẩn bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: quần áo, nước giặt, nước tẩy rửa, thiết bị điện tử, viễn thông, lương thực, thực phẩm đã qua chế biên, vật tư nông nghiệp…

Tháng 8 năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 01 phiên chợ đưa hàng Việt về xã miền núi tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức trên địa bàn xã, anh Nguyễn Xuân Giáp chia sẻ: Hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày đều được bày bán đầy đủ tại phiên chợ. Mua hàng hóa ở phiên chợ, tôi thấy yên tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm; giá cả hàng hóa cũng hợp lý hơn so với các điểm bán lẻ trong chợ. 

Tham gia bán hàng tại các phiên chợ, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt đều cho rằng, thực hiện những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp thu được chính là thương hiệu sản phẩm được biết đến nhiều hơn, uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng được nâng lên, đặc biệt được phục vụ người tiêu dùng ở nông thôn, miền núi. 

Anh-tin-bai

Khu vực nông thôn, miền núi với xấp xỉ 70% dân số sinh sống là thị trường tiềm năng đối với ngành bán lẻ. Qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng vùng nông thôn đã được nâng lên rất nhiều. Điều này cho thấy, mặc dù quy mô của chương trình còn nhỏ so với các hội chợ thương mại khác nhưng các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi cũng đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng vùng nông thôn, miền núi về người Việt dùng hàng Việt.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi còn những vướng mắc khó khăn như: Dân cư ở các xã miền núi thưa thớt, sống tập trung ít; các phiên chợ tổ chức dài ngày, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa hàng về khu vực nông thôn còn thiếu. 

Đặc biệt, phiên chợ tổ chức ở các xã miền núi, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn miền núi còn thấp nên sức mua của người dân địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện nay mạng internet đã phủ sóng hầu khắp các thôn, bản nên thói quen mua sắm online dần thay thế thói quen mua sắm ở chợ truyền thống. Qua tiếp thu ý kiến của một số doanh nghiệp tại các phiên chợ cho thấy, có những chuyến hàng doanh nghiệp đem đi bày bán có giá trị đến vài trăm triệu đồng nhưng doanh số bán hàng của doanh nghiệp chỉ đạt vài ba triệu đồng. Hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia cũng đã ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng của chương trình…

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, điểm mấu chốt là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng tham gia. Theo đó, thời gian tới cần có sự trao đổi thông tin, liên kết với Trung tâm Khuyến công/Xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố trong khu vực để vận động doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng tham gia. Cũng cần áp dụng các tiêu chí cụ thể của chương trình để sàng lọc doanh nghiệp nhằm lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất ngay từ lúc nhận hồ sơ đăng ký tham gia… Có như vậy, các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng.  

Có thể nói, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi vẫn mang tính mùa vụ. Khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết tìm đến đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, để Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thật sự phát huy hiệu quả./. 

Đậu Thị Nghệ - Phòng Hành chính Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com