Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal, Cơ hội cho doanh nghiệp Nghệ An

Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới. Dân số Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/ năm, cao gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo (0,7%/năm) và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Theo dự báo, đến năm 2050 thế giới sẽ có 51 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, tăng 02 nước so với năm 2010 (Macedonia, Bosnia và Herzegovina). Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 20282 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8%/năm3 . Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển, do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường…

 Anh-tin-bai

Những quy định khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal

Người theo đạo Hồi chỉ được ăn thịt Halal, tức là thịt được giết mổ theo nghi thức của đạo hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Những món ăn Halal phải đạt tiêu chuẩn và phù hợp với chế độ ăn uống mà đạo Hồi đề ra trong kinh Coran.

Có sự khác biệt giữa thịt đạt tiêu chuẩn Halal và thịt bình thường, với 5 dấu hiệu sau:

Một là người giết mổ thịt phải nói trước từ Allah (nghĩa là chúa trời). Hai là động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo. Ba là động vật phải còn sống trước khi giết mổ. Bốn là thịt Halal không dính máu. Sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra. Năm là động vật không được cho ăn bởi những thức ăn làm từ động vật khác.

Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt,… nếu được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi Giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.

Để được nhập khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, thực phẩm phải có chứng nhận Halal. Giấy chứng nhận Halal yêu cầu sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người theo đạo Hồi có thể sử dụng được; và là chứng nhận bắt buộc khi nhập khẩu hàng hóa vào một số nước theo đạo Hồi. Chứng nhận Halal có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.

Giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal cho doanh nghiệp Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Halal ví dụ như các mặt hàng về: nông sản, thủy, hải sản, nước uống đóng chai, nước ion kiềm đóng chai, sản phẩm dầu ăn…

Để có thể nắm được cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường tiềm năng nêu trên thì Chính quyền tỉnh và doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cần phối hợp nhuần nhuyễn thực hiện một số giải pháp sau:

1. Quan tâm, nghiên cứu, xây dựng kênh thông tin chính thức để giới thiệu về thị trường Halal, nhu cầu thị trường, thông tin đối tác và nhất là hướng dẫn quy trình, thủ tục được cấp chứng nhận Halal tại từng quốc gia, từng mặt hàng khác nhau để các DN tham khảo, áp dụng, đặc biệt về tiêu chuẩn họ đưa ra.

Ví dụ: Quy trình sản xuất chế biến thực phẩm phải sạch sẽ, vệ sinh phù hợp quy định của Đạo Hồi. Theo đó, một số loại thực phẩm ăn và đồ uống bị cấm tuyệt đối sử dụng để sản xuất chế biến thực phẩm, như: thịt động vật bị chết (máu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức); rượu và các đồ uống lên men; những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột…); thịt lợn; động vật móng vuốt như mèo; thịt còn máu đông ở bên trong; máu động vật và chế phẩm từ máu động vật; thực phẩm có chứa các chất phụ gia như enzyme, gelatine…

Quá trình giết mổ động vật phải lưu ý không được giết mổ động vật chưa đạt tuổi giết mổ (không giết non như bê, cừu non, gà con…) và con vật khi đưa vào giết mổ phải trong trạng thái sống bình thường, không bị ốm và không có bệnh. Người làm công việc giết mổ phải hiểu rõ quy trình, không coi như việc giết mổ như sát sinh tàn bạo, mặc quần áo đồng phục bảo đảm vệ sinh và có đầy đủ trang bị bảo hộ lao động; trong quá trình giết mổ phải nhắc tên Thánh Allah (Bismilla). Con vật phải chết hẳn mới được chuyển sang làm phần lông và da. Máy móc, công cụ, nhà xưởng giết mổ phải sạch sẽ; dụng cụ giết mổ phải đầy đủ, chất lượng và được mài sắc.

2. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, tạo cơ hội cho các hoạt động xúc tiến, hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức, DN trong nước, trong tỉnh với thị trường Halal.

Có điều may mắn là một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal.  Ai Cập sẵn sàng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal.

3. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các DN khi tham gia giao dịch với thị trường Halal, nhất là với các đối tác mới, thị trường mới.

Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi thương mại cho xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Halal. Đến nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật). Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia và đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật./.

Ngọc Hoa - Phòng Hành chính - Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com