Dược liệu Phủ Quỳ: Sản xuất sạch từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến sản phẩm
Hiện nay, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm mà người dân đang rất quan tâm đó là các loại thực phẩm sạch được người tiêu dùng quan tâm. Các sản phẩm từ dược liệu như: nghệ, cà gai leo, hà thủ ô, sắn dây… là thực phẩm tiện dụng, đồ uống mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người, được các chuyên gia khuyên nên sử dụng hàng ngày. Nhằm phát huy tối đa những giá trị dinh dưỡng và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra các sản phẩm từ dược liệu chất lượng, uy tín cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước, đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu, góp phần phát triển kinh tế đồng thời góp phần giải quyết đầu ra hàng dược liệu, nâng cao thu nhập cho người lao động. Năm 2020 khởi đầu sản xuất, chế biến dược liệu quy mô nhỏ với 6 thành viên, đến nay Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ có địa chỉ tại xã Nghĩa Thuận - Thị xã Thái Hòa, Nghệ An đã phát triển lên hơn 18 thành viên tham góp vốn, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu; Đầu tư công nghệ máy móc tiên tiến, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu cho các hộ thành viên và nhân dân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức tập quán trồng cây nhỏ lẻ của người nông dân sang trồng thành vùng tập trung quy mô lớn và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên thị trường. Góp phần thực hiện thành công đề án mỗi xã một sản phẩm của thị xã Thái Hòa. Hợp tác xã lên kế hoạch chặt chẽ và thực hiện nghiêm ngặt theo các nguyên tắc: không thuốc hóa học, không thuốc kích thích, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng chất bảo quản, không ủ hương liệu, kiểm soát thành phẩm, bảo quản trong kho thoáng mát đúng tiêu chuẩn quy định.

Vùng trồng nguyên liệu của Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ
Không chỉ chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào, để khép kín quy trình sản xuất Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng sân bãi, nhà xưởng, cân điện tử và hệ thống băng chuyền máy móc hiện đại hoàn toàn tự động và bán tự động từ khâu sấy nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến đóng gói thành phẩm, đưa ra thị trường tiêu thụ đều bằng các công nghệ hiện đại, nhờ đó công suất thành phẩm đạt khoảng 8 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra để chủ động trong sản xuất Hợp tác xã cũng đã đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất. Năm 2021 được sự giúp đỡ của các ban ngành đặc biệt là sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn phát triển công thương Nghệ An đã giúp Hợp tác xã nhận được nguồn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công tỉnh để đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất. Thiết bị mà Hợp tác xã được hỗ trợ là máy sấy lạnh (thông số kỹ thuật: Model: SS5720-LX, hãng SX: Sunsay, công suất: 90-100kg/mẻ, Số khay: 20 khay). Bà Nguyễn Diệu Thúy - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Nhờ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, sản lượng cao gấp 3 – 4 lần so với trước kia tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.
Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận và giá trị thương mại luôn được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Để đạt được những điều này, thì doanh nghiệp phải tìm được chỗ đứng cho mình, bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và biết vận dụng một cách có hiệu quả. Cụ thể là việc đưa máy móc thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất, với máy móc thiết bị tiên tiến, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm, ít tiêu hao nhiên liệu hơn, hạn chế phế phẩm. Đồng thời, giảm bớt lao động thủ công từ đó góp phần hạ giá thành sản xuất sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Thông qua nguồn vốn khuyến công hỗ trợ thời gian qua đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất để phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần không nhỏ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.