06/11/2023
Bánh gai - Món ăn dân dã đậm tình quê hương
Nhắc đến bánh gai nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh gai dốc dừa nổi tiếng ở mảnh đất Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Đây là là một món ăn truyền thống dân dã, là món quà quê không thể thiếu của người dân miền Tây xứ Nghệ.
Nhắc đến bánh gai nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh gai dốc dừa nổi tiếng ở mảnh đất Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Đây là là một món ăn truyền thống dân dã, là món quà quê không thể thiếu của người dân miền Tây xứ Nghệ.
Nghề làm bánh gai ở xã Tường Sơn có từ lúc nào không ai nhớ rõ, chỉ biết là đã rất lâu đời, truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều nhà dân sống chủ yếu nhờ thu nhập từ nghề làm bánh gai. Bánh được làm từ các loại nguyên liệu đơn giản dễ tìm như đậu xanh, bột nếp, lá gai, cùi dừa, đường kính hoặc mật mía. Nói thì đơn giản nhưng để làm ra được một cái bánh ngon không phải dễ. Bánh được làm hoàn toàn bằng thủ công, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, tỉ mỉ, nếp phải là loại nếp dẻo thơm xay mịn, trộn với nước lá gai để ra được màu đen đặc trưng. Điều đặc biệt ở loại bánh này chính là dùng lá gai được xay lọc lấy nước trộn với bột nếp. Đây là loại lá mọc rất nhiều dưới các chân núi đá ở xã Tường Sơn. Nhân bánh là đậu xanh hạt nhỏ bùi, ngâm qua đêm, bỏ vỏ nấu với đường hoặc mật rồi nghiền nhuyễn, cùi dừa nạo sợi. Bánh được gói bằng lá chuối khô đã được lau chùi sạch sẽ, sau đó đem hấp cách thuỷ vài tiếng đồng hồ là chín. Bánh chín được vớt ra để ráo và buộc thành từng cặp một bày bán. Mỗi một cặp bánh giá trung bình khoảng 2.000 - 2.500 đồng.
![Anh-tin-bai](https://datafiles.nghean.gov.vn/nan-ubnd/2819/quantritintuc202311/61111638348792697584383.jpg)
Ảnh 1: đặc sản nổi tiếng của huyện miền núi Anh Sơn
Bánh gai dốc dừa có vị dẻo thơm của bột nếp, lá gai, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo của cùi dừa và mùi thơm tự nhiên của lá chuối khô. Nó trở thành món ăn đặc sản trong các dịp lễ tết, làm quà cho du khách khi đến Anh Sơn. Bánh được đưa đi khắp trong Nam ngoài Bắc và được nhiều người yêu thích bởi vị thơm ngon, dễ ăn, bánh nhỏ vừa phải chứ không làm to như nhiều nơi khác.
Ảnh 2: Cơ sở làm bánh Đoài Lan tại dốc dừa xã Tường Sơn
Hiện nay xã Tường Sơn có Hợp tác xã bánh gai xứ dừa với hơn 20 hộ làm bánh, có một số cơ sở làm bánh chuyên nghiệp phải thuê thêm nhân công trong làng, xã. Nghề này đã giúp cho người dân nơi đây có thu nhập khá ổn định, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại xã. Mỗi ngày mỗi cơ sở bán được hàng nghìn cái bánh, còn dịp tết thì nhiều hơn gấp đôi, gấp ba do khách mua làm quà tăng cao. Bánh được bán ngay tại nhà dân ở hai bên đường quốc lộ 7A ngay dốc dừa của xã Tường Sơn hoặc ở các chợ của huyện Anh Sơn, hiện nay cũng có rất nhiều người ở các huyện khác nhập bánh về bán online nên thị trường được mở rộng hơn so với trước.
Ngày nay, nền kinh tế phát triển kéo theo đời sống của người dân tăng cao, có rất nhiều món ăn ngon, sang, đắt tiền nhưng nhiều người vẫn thích thưởng thức hương vị của những món ăn dân dã như bánh gai để tìm về với hương vị quê hương. Để bánh gai dốc dừa được lan toả xa hơn, nhiều người biết đến thì chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc giúp người dân xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra ổn định để nghề làm bánh ngày càng phát triển, cải thiện thu nhập cũng như đời sống của người dân nơi đây./.
Phan Thị Hồng Hạnh - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn