Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong logistics

1. Hoạt động chuyển đổi số của cơ quan nhà nước

          Hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, tăng cường hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được phê duyệt và triển khai trên toàn quốc. Các cơ quan nhà nước đang tập trung vào các nhiệm vụ chính như phát triển hạ tầng số, xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính công, và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. Một số thành tựu nổi bật bao gồm việc ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, và hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, tài chính, và giao thông cũng đang được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cải tiến các quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những tiến bộ này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công.    Các chỉ tiêu cụ thể ưu tiên để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” bao gồm:

- Thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương.

- 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.

- 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu. Cụ thể: 25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022) và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC)

- 100% hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động.

- 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics

          Thời gian gần đây, sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mặc dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics cũng đang diễn ra mạnh mẽ, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn. Do vậy, công cuộc chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nói riêng và ngành logistics nói chung là một xu thế tất yếu. Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chuyển đổi số là việc áp dụng công nghệ số để cải tiến quy trình, mô hình và hoạt động logistics, với mục tiêu nâng cao hiệu suất, tính linh hoạt và khả năng phản ứng của chuỗi cung ứng. Quá trình này có thể diễn ra ở nhiều cấp độ, từ việc triển khai các giải pháp công nghệ đơn lẻ hoặc toàn diện, cho đến việc xây dựng các mô hình logistics mới hoàn toàn dựa trên công nghệ số, nhằm tạo ra giá trị, cơ hội và nguồn thu nhập mới. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước ta ban hành nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics và chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam.

 

Anh-tin-bai

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong logistics

          Quá trình chuyển đổi số trong ngành có nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả. Khảo sát tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 cho thấy, 90,5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%. Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.

 

Anh-tin-bai

Một góc Cảng Cửa Lò

          Để thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam cần một hệ thống hạ tầng số hoàn thiện và các giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là trong logistics. Hiện, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hạ tầng viễn thông băng rộng, bao gồm cáp quang và mạng di động 4G, 5G, cùng hạ tầng kết nối IoT trên toàn quốc. Với kế hoạch nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thiết bị 5G vào năm 2023, hạ tầng viễn thông sẽ tạo nền tảng cho những bước đột phá công nghệ. Ngoài viễn thông, thị trường công nghệ Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển nhanh chóng, với số lượng doanh nghiệp, doanh thu, và chất lượng các giải pháp công nghệ “made in Vietnam” tăng trưởng mạnh mẽ. Các giải pháp công nghệ trên thị trường ngày càng phong phú, với xu hướng chuyển từ sử dụng sản phẩm của các công ty nước ngoài sang giải pháp từ doanh nghiệp Việt Nam, nhờ chi phí hợp lý và sự linh hoạt, phù hợp với nhu cầu trong nước. Dù chưa có thống kê chính thức, hiện nay, các nhà cung cấp giải pháp phần mềm chủ yếu tập trung vào các mảng như tài chính kế toán, bán hàng, quản trị doanh nghiệp và chăm sóc khách hàng, trong khi phần mềm dành cho các ngành nghề đặc thù vẫn chưa được phát triển mạnh./.

Ngô Tuấn Anh - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com