Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3319/QĐ-UBND ngày 26/10/2022 về kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” thực hiện 10 tháng đầu năm 2023 đã tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực. Toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là cộng đồng người dân đã tích cực tham gia, thi đua lập thành tích trong thực hiện chương trình. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào và phổ biến đến cán bộ, đảng viên, hội viên. Các sở, ban, ngành tích cực trong chỉ đạo, hướng dẫn và lồng ghép các nội dung thực hiện đối với lĩnh vực ngành phụ trách trong chương trình xây dựng NTM; Mặt trận tổ quốc và các tổ chức hội thành viên chủ động phát động và thực hiện các phong trào gắn với xây dựng NTM trên toàn tỉnh; cộng đồng người dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tiền của,… trong thực hiện chương trình, cụ thể: Hội Liên hiệp phụ nữ đã đẩy mạnh phong trào thi đua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch” và các hộ liền kề “Nhà sạch, vườn đẹp”; Hội nông dân đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, thực hiện Vườn chuẩn nông thôn mới; tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp cho hội viên nông dân để có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; phối hợp với các đơn vị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm quan học tập kinh nghiệm về sản xuất; Tỉnh Đoàn với phong trào “Tuổi trẻ Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới” và các hoạt động như “Thắp sáng đường quê”, “Ngày chủ nhật xanh”; “Tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thanh niên”; “Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn”; “Xung kích giữ gìn an ninh trật tự địa bàn nông thôn” “Tổ chức các đội tri thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới”; “Xóa nhà dột nát, hỗ trợ hộ nghèo”; Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phát động phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực thực hiện Chương trình mỗi cơ sở Hội ít nhất tham gia một công trình, phần việc CCB đảm nhận, mỗi hội viên CCB có việc làm thiết thực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, với phương châm “CCB gương mẫu, hiến kế, hiến công, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới”...
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm CNNT tỉnh Nghệ An tại bộ nông nghiệp
Trong phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã xuất hiện nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết Hội đồng nhân dân cùng cấp đã đề ra; có nhân tố mới, mô hình mới tiêu biểu giới thiệu cho các cấp, các ngành tham quan học tập; tiêu biểu trong nỗ lực xây dựng Nông thôn mới.
Có thể thấy, phong trào “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” trong năm 2023 vẫn tiếp tục phát huy có hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong huy động sự tham gia và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 116 tập thể và 116 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thực hiện xây dựng NTM.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang xây dựng, thực hiện hiệu quả nền nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và bảo đảm sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nghệ cao được tích hợp trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp ở các khâu cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…; ứng dụng công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, đưa giống cây trồng vật nuôi năng suất, chất lượng cao, quy trình canh tác tiên tiến, hữu cơ vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao từng bước làm thay đổi tư duy, cách làm của nông dân; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, đòi hỏi phải xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, trong đó, sản xuất nông nghiệp thông minh giữ vai trò chủ đạo để từng bước đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Ngay từ bây giờ, tỉnh dồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Yêu cầu các sở, ngành chức năng, trong đó với vai trò quản lý nguồn kinh phí Khuyến công của tỉnh Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên của từng địa phương. Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật. Bên cạch đó gắn với việc tiếp tục phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP), nhằm phát huy lợi thế tại mỗi địa phương; phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với NTM. Kết hợp các nội dung hoạt động Khuyến công để đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản trên toàn tỉnh và khu vực Bắc trung bộ./.