Với những lợi thế về đất đai và nguồn nhân lực sẵn có, Nghệ An xác định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dệt may, tận dụng thời cơ từ các Hiệp định Thương mại tự do FTA, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu...
Ngành dệt may đã góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Duy trì vai trò đầu tàu trong xuất khẩu và thu hút đầu tư, hằng năm dệt may chiếm 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.Hàng được xuất khẩu đến hơn 30 thị trường trên thế giới với các chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng.
Nghệ An có hơn 40 dự án, cơ sở sản xuất, trong đó có 30 nhà máy đang hoạt động và 10 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư đang triển khai xây dựng. Trong số này có 17 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký xấp xỉ 91 triệu USD. Các nhà máy may đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn, với tổng số lao động khoảng 26.000 - 27.000 người. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất sợi và phụ kiện. Đó là, Nhà máy sợi Vinh công suất sản xuất hàng năm từ 16.000-18.000 tấn sợi các loại/năm phục vụ cho ngành dệt trong nước và thị trường xuất khẩu; 1 cơ sở thêu các phụ kiện cho các nhà máy may trên địa bàn tỉnh tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn, Đô Lương quy mô lao động 200 người. Công nghệ máy móc thiết bị sản xuất hàng may mặc và công nghệ sản xuất sợi chủ yếu nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc và các nước EU,... Kim ngạch xuất khẩu dệt may mặc dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đóng góp lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Dự kiến đạt khoảng 430 triệu USD trong năm 2023 (giảm so với cùng kỳ).
(Dây chuyền may tại Công ty TNHH xuất- nhập khẩu may mặc Hợp tiến, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Nghệ An còn thiếu và yếu. Nguyên phụ liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Chưa hình thành trung tâm nguyên phụ liệu phục vụ ngành công nghiệp may mặc. Chưa có dự án dệt nên sản phẩm sợi sản xuất chủ yếu để xuất khẩu sang Tây Á, Trung Đông và bán ngoại tỉnh. Các doanh nghiệp may mặc phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng, nên bị động trong lập kế hoạch tổ chức sản xuất và tuyển dụng lao động. Ngành dệt may bắt đầu gặp khó khăn với tình trạng khan hiếm nguồn lao động kể cả lao động phổ thông do sức cạnh tranh về chế độ tiền lương với các ngành nghề khác như điện tử, da giày… phát triển nhanh trong thời gian qua. Các nhà máy may đa số tập trung ở vùng nông thôn để dễ dàng tuyển dụng lao động, tuy nhiên, lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có tay nghề và chất lượng.
Mặt hàng dệt may xuất khẩu thời gian qua cơ bản đáp ứng được tiêu chí xuất xứ theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU), doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với CPTPP, từ vải trở đi với EVFTA. Thực tế cho thấy, đơn hàng của Việt Nam phần lớn may theo hình thức gia công, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu cho nên việc đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ sợi trở đi là khó khăn. Đối với EVFTA, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm rất khắt khe, trong khi nguồn nguyên liệu dệt may do Việt Nam sản xuất đạt chất lượng cao hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. Dù các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng chi phí lại quá cao. Do đó mới chỉ có rất ít doanh nghiệp dệt may với số lô hàng rất nhỏ tận dụng được lợi thế từ các hiệp định FTA thế hệ mới. Vì vậy các doanh nghiệp dệt may có giải pháp để tận dụng cơ hội từ các FTA.
(Hình ảnh dây chuyền may tại Công ty TNHH Sangwo
ở khu công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)
Thời gian qua, cùng với việc Việt Nam triển khai thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, dệt may đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An với kim ngạch lớn và tăng trưởng đều qua các năm. Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp hiện vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu, giá trị thu về còn hạn chế. Vì thế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, là hết sức cần thiết. Mới đây, tại hội thảo trao đổi về kế hoạch tận dụng FTA thế hệ mới tại Nghệ An, Đai diện Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương cũng cho biết: Dệt may được đánh giá là ngành sản xuất thiết yếu của thế giới, sự biến động của ngành này tùy thuộc vào từng giai đoạn của thị trường và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô thị trường dệt may toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng mạnh, dưới tác động của các FTA sẽ tạo động lực cho các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Chia sẻ về các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi tận dụng FTA, đại diện Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương hiện nay các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Nghệ An mới tập trung thị trường Đông Á; thị trường châu Âu thấp, chỉ chiếm 6,5% thị phần. Việc tập trung quá nhiều vào thị trường gần hiệu quả sẽ không cao. Ngoài ra các doanh nghiệp còn gặp phải các vấn đề khi tận dụng FTA như: Thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực, chủ yếu gia công. Chưa chú trọng thương hiệu, chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển bền vững… Góc độ doanh nghiệp, cần định vị thị trường khu vực FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu tối ưu hoá chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác. Nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường khu vực FTA, lên chiến lược tiếp cận các thị trường này.
Giải pháp tận dụng cơ hội FTA của doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cho biết, lâu nay 80% sản phẩm của doanh nghiệp xuất đi thị trường Ai Cập nhưng từ cuối 2022 rất khó khăn do thị trường, đơn hàng bị chậm, hàng tồn kho tăng cao,... Phát huy thế mạnh của Nghệ An, tới đây, công ty sẽ phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường như tre, nguyên liệu tái chế… xuất đi các thị trường châu Âu, FTA. Về phía ngành quản lý: Để ngành dệt may trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và hiệu quả, về phía tỉnh cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh và tự động hoá, trong đó tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với các nhóm sản phẩm: Sợi, sản xuất vải từ sợi trong nước, nguyên phụ liệu ngành may để hình thành chuỗi giá trị ngành dệt may trên địa bàn tỉnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó là phân bố các doanh nghiệp dệt may hợp lý, đảm bảo thuận lợi về nguồn cung lao động, giao thông, hạ tầng logistics,... Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện công tác chuyển đổi số, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu,… thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động; đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp vận dụng có hiệu quả quy tắc xuất xứ hàng dệt may để đẩy mạnh xuất khẩu./.