Nghệ An: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng hóa

Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, đất rộng, người đông. Với diện tích 16.490,25 km2, lớn nhất cả nước; dân số hơn 3 triệu người, đứng thứ tư cả nước; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa; điều kiện tự nhiên phong phú. Với thế mạnh diện tích đất đai và lực lượng lao động dồi dào, trong những năm qua Nghệ An đã phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy hải sản và công nghiệp khai thác; phát triển các dự án công nghiệp thu hút nhiều lao động; phát triển kinh tế cửa khẩu...

Công tác xúc tiến thương mại, kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, đề xuất nhu cầu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với các đơn vị, hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại; đồng thời, các nhà phân phối cũng có dịp trình bày những yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ để đưa vào hệ thống chuỗi phân phối.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng, còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là việc phát triển thị trường, đó luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy sản xuất, tiếp tục đổi mới và phát triển. Do đó, việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương với các tỉnh thành có ý nghĩa quan trọng gắn với định hướng phát triển và khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương Nghệ An và các sở, ngành đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối cung cầu doanh nghiệp Nghệ An với các doanh nghiệp, nhà phân phối các tỉnh thành trong cả nước. Thường xuyên, kịp thời hỗ trợ khai thác, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, tình hình thông quan các cửa khẩu để hỗ trợ phát triển thương mại trong nước cũng như xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản tới các chủ thể, như: Quyết định 32/2020/QĐ-UBND ngày 11/12/2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về nội dung, mức hỗ trợ và quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình XTTM tỉnh; Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.Đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT trong kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, nông sản; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia các giao dịch TMĐT Nghệ An http://37nghean.com và liên kết, chia sẻ, quảng bá trên các sàn TMĐT uy tín trong và ngoài nước.

         Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối cung cầu thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật về thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức thông qua các hội nghị giao thương kết nối cung cầu đến nay đã có hơn 250 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các doanh nghiệp Nghệ An và các đơn vị phân phối, từ đó đã hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm tỉnh Nghệ An. Từ đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và sử dụng; hiện đã có trên 20 cơ sở sản xuất sản phẩm đã thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn như Bách Hóa Xanh, Central retail, MM Mega Market, Wincommerce, Lotte...; đến nay, 74/403 sản phẩm OCOP; 21/96 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (đa phần là sản phẩm nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản) đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh, Aeon, Maxi Mart… hệ thống các cửa hàng thực phẩm, bách hóa và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,  Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk... thuộc các cơ sở như: Công ty CP Biển Quỳnh (12 sản phẩm), Công ty Bún sạch Thanh Phúc, Công ty Bánh đa Lương Sơn (03 sản phẩm), Công ty Dược liệu Pù Mát (13 sản phẩm), Cơ sở bánh kẹo Đô Lương (03 sản phẩm), Lạc sen của Công ty Nông lâm sản Sỹ Thắng (02 sản phẩm), Cam Vinh Kỳ Yến của Công ty CP Trạng trại Phủ Quỳ…

Quy mô thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hàng năm của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, tiêu biểu như: Công ty CP Biển Quỳnh tiêu thụ khoảng 800 tấn thủy hải sản, phân phối trên 30 tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, đa số sản phẩm của Công ty đã vào được các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, AEON, Lotte, Bách hóa Xanh, MM Mega Maket, Winmart; Công ty CP Dược liệu Pù Mát tiêu thụ 120.000 -150.000 sản phẩm, phân phối tại 120 đại lý/36 tỉnh, thành trong nước. Sản phẩm đã lên kệ hàng tại hệ thống siêu thị Mường Thanh, Maximart, Coop mart, hệ thống chuỗi cửa hàng của OCOP Shop Việt Nam; Công ty Nước mắm Vạn Phần Diễn Châu tiêu thụ 1,5-2 triệu lít nước mắm, phân phối tại 528 đại lý/12 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, sản phẩm của Công ty đã vượt qua rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm để xuất khẩu ổn định tại thị trường Nhật Bản;  03 cơ sở giò bê (Minh Hiền, Đức Tuấn, Chung Tài) tiêu thụ ổn định lượng hàng từ 200 - 250 tấn thành phẩm, phân phối hàng hóa chủ yếu tại các tỉnh từ miền Trung, miền Bắc qua nền tảng thương mại điện tử, facebook. Hiện các sản phẩm đang kết nối, chào hàng cho các siêu thị BigC, Lotte, MM Mega Maket; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình An tiêu thụ 15-20 tấn thành phẩm tinh bột nghệ và tinh bột sắn dây, phân phối chủ yếu cho 30 đại lý/18 tỉnh thành khu vực phía Bắc. Sản phẩm đã được lên kệ tại các hệ thống trung tâm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của hệ thống OCOP Shop Việt Nam; Cơ sở sản xuất bánh đa Lương Sơn tiêu thụ 8,0 - 10 triệu sản phẩm, phân phối tại 300 đại lý/30 tỉnh, thành trong nước. Sản phẩm được phân phối mạnh qua nền tảng thương mại điện tử, facebook và các hệ thống quán nhậu. Sản phẩm hiện đã vào siêu thị AEON, Maximart; Công ty TNHH Hoàng Nhật Phát tiêu thụ 50.000-60.000 sản phẩm, phân phối chủ yếu tại 40 đại lý lớn nhỏ/15 tỉnh, thành. Một số sản phẩm chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định như sản phẩm chè búp có thị trường ổn định tại các nước Tây Á, sản phẩm nước mắm tiêu thụ tại thị trường Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Anh-tin-bai
 
Đặc biệt, hiện nay sản phẩm hàng hóa Nghệ An được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Hàng hóa Việt Nam từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng, về chất lượng, mẫu mã, giá cả... Có thể thấy rằng qua công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa đã mở ra một số thị trường mới cho hàng hóa tỉnh Nghệ An như kết nối cung ứng hàng hóa vào các bếp ăn tập thể tại các nhà máy sản xuất, các trường học từ đó đảm bảo hơn an toàn thực phẩm, tránh những ca ngộ độc thực phẩm do sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối nhất là thị trường nông thôn; thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trình độ cán bộ được nâng lên, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn như các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong tỉnh chưa linh hoạt trong việc tiếp cận thông tin, nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường. Thiếu sự chủ động trong việc liên kết với các đơn vị phân phối hàng hóa.  Một số sản phẩm của các doanh nghiệp về hình thức, mẫu mã chưa phong phú, chất lượng sản phẩm chưa cao, công tác mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối còn gặp khó khăn do quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế. Sản phẩm tỉnh Nghệ An, mang đặc điểm sản phẩm nông thôn, đặc sản vùng miền được phát triển từ các cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ, sản lượng thấp, mùa vụ. Chính vì vậy, không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối lớn trên cả nước. Nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, để chương trình xúc tiến thương mại thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tầm quy mô và tầm ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa thực hiện các nhiệm vụ tại đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và các Đề án sản xuất, chế biến nông sản, cây con chủ lực gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Từ đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh Nghệ An tới các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế./.

Trần Thị Thanh Liên - Phòng Hành chính - Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com