Ngành công nghiệp hỗ trợ - Dấu ấn trong thu hút đầu tư FDI tỉnh Nghệ An
Tỉnh Nghệ An thu hút các dự án FDI từ cách đây hơn 25 năm trước và chưa là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với sự nỗ lực, kiên trì vượt qua những khó khăn, thách thức nhất là giai đoạn ảnh hưởng của dịch covi-19, cũng như biến động của tình hình thế giới thì trong những năm gần đây với những quyết sách phù hợp, Nghệ An đã có bước chuyển tích cực để trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư các dự án FDI.
Theo luỹ kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được 133 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỷ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay. Năm 2022 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD, qua đó 2 năm liền nằm trong danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Hiện nay, Nghệ An đã thu hút nhiều Tập đoàn lớn các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Tập đoàn Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,... Đây là dấu ấn rất nổi bật trong thu hút đầu tư của tỉnh tạo tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An bứt phá trong thời gian tới, nhất là sự đầu tư đồng bộ, hiện đại của các khu công nghiệp trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hiện nay nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là rất lớn với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sự di dời sản xuất khỏi Trung Quốc của các công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn của Đài Loan, Mỹ, châu âu và các quốc gia khác, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Đến nay ngành công nghiệp Hỗ trợ tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và có sự tăng trưởng đáng kể, việc thu hút được các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ lớn đầu tư tại Nghệ An được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư vốn FDI trong thời gian qua và theo dự báo sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới khi những nhà đầu tư trong lĩnh vực này muốn tìm kiếm những địa điểm đầu tư an toàn, ổn định và có quỹ đất lớn trong khi các quỹ đất công nghiệp quy mô lớn ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam đang trở nên khan hiếm. Theo dự báo thời gian sắp tới các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo ra khoảng 100 nghìn việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều này sẽ giải quyết bài toán lao động của tỉnh Nghệ An tuy nhiên cũng đạt ra thách thức không nhỏ về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như về năng lực logistics.
Hiện nay bên cạnh những chính sách ưu đãi của tỉnh, với vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương, diện tích đất đai, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp thì điều giúp các doanh nghiệp FDI nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng quyết định đầu tư đó là nguồn nhân lực dồi dào của tỉnh, hiện Nghệ An có 7 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp chuyên nghiệp và 22 trường dạy nghề mỗi năm đào tạo 24 nghìn lao động mới có tay nghề phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp.
Với quyết tâm đưa Nghệ An trở thành trung tâm công nghiệp lớn của khu vực và cả nước theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh đã chuẩn bị 5 điều kiện “sẵn sàng”.
Thứ nhất là sẵn sàng về quy hoạch: Hiện nay thực hiện 12 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 4.373 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh quy hoạch 23 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.056 ha. Trong đó, gồm 15 khu công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam mở rộng với tổng diện tích 6.547 ha và 8 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế với tổng diện tích 1.509 ha, trong đó có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động, gồm: KCN VSIP (367,6ha); KCN WHA (498ha); KCN Hoàng Mai I (264,77ha); KCN Đông Hồi (457,07ha); KCN Nam Cấm (371,15ha); KCN Bắc Vinh (60,16ha). Trong đó KCN Nam Cấm, Bắc Vinh, Đông Hồi cơ bản lấp đầy diện tích, hiện tỉnh đang thu hút đầu tư để lấp đầy các KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển 56 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.888,18 ha; trong đó, giữ nguyên 37 cụm công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích 1.068,93 ha; bổ sung mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 819,25 ha.
Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Ngoài các hạ tầng dùng chung, tỉnh Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đồng thời quan tâm hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội.
Thứ ba là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Tỉnh Nghệ An đã kêu gọi và hiện có 3 nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt. Hiện 3 nhà đầu tư này đang phát triển 5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Thứ tư là sẵn sàng về nguồn nhân lực. Với lợi thế quy mô dân số 3,5 triệu người, trong đó có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, đây là nguồn nhân lực dồi dào để thu hút đầu tư. Ben cạnh đó tỉnh đang tập trung liên kết trong đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ sở đào tạo.
Thứ năm là sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Nghệ An luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư; coi khó khăn của nhà đầu tư là của tỉnh; giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất, có dự án chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc.
Để đẩy mạnh thu hút các dự án FDI nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng tỉnh cần tăng cường liên kết trong đào tạo nhân lực đảm bảo phục vụ thu hút FDI. Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở xem xét, tính chất, quy mô và hiệu quả đầu tư của từng ngành, lĩnh vực; rà soát, bổ sung các ngành, lĩnh vực và danh mục dự án đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá đầu tư và tiềm năng của các tỉnh, các địa phương./.