Tiết kiệm điện chính là giữ gìn ‘mạch máu’ cho mỗi gia đình và nền kinh tế

Ngày 21-12-1954, sau khi tiếp quản thủ đô được hơn 2 tháng, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ.

Từ đó ngày 21/12/1954 đã trở thành ngày Truyền thống ngành điện. Đã 69 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên công nhân ngành điện “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”…. “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn “mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Câu chuyện thiếu điện hàng năm lại trở thành “vấn đề bức xúc" khi vào mùa nắng nóng việc cắt điện luân phiên xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố. Thực tế chứng minh thiếu điện không chỉ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân mà còn ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều nhà máy, các khu công nghiệp trong nước phải tạm ngưng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Điều đáng lo ngại là với diễn biến kinh tế từ đầu năm đến nay đang có dấu hiệu giảm tốc, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, mà lượng điện còn không thể đáp ứng.

Anh-tin-bai

 Người dân ở chung cư mỗi dịp cắt điện luân phiên mùa nắng nóng

Đứng về phía doanh nghiệp, sau những thiệt hại do đại dịch Covid 19 gây ra, kế tiếp là thiếu hụt nguồn nhân lực do sự dịch chuyển của lực lượng lao động, rồi thiếu hụt đơn hàng, kế tiếp là thiếu vốn, giờ đây lại phải đối mặt với thách thức thiếu điện để sản xuất kinh doanh. Với nguồn lực đang suy kiệt dần, khả năng chống chọi, ứng phó ngày càng suy giảm, các doanh nghiệp càng có nhiều nguy cơ buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Nhận diện thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua. Trong đó tiết kiệm điện là một giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, giữ gìn “dòng điện được nối dài” để “mạch máu” không bị đứt quãng.

Đi đầu trong việc kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức cùng chung tay tiết kiệm điện, ngày 22/5/2023 tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã chính thức Phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.

Gần đây nhất, ngày 8/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lấy tiết kiệm điện làm chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật…

Tiết kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi lãng phí trong sử dụng điện ở nước ta còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với nhiều giải pháp về nguồn cung điện, truyền tải, phân phối điện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện cùng nhiều ban ngành chức năng đều kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác là việc làm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta cần phải biết tiết kiệm điện, tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm thời gian giảm bớt chi tiêu cho những việc không cần thiết, biết đấu tranh chống xa hoa, lãng phí, biết chia sẻ tiết kiệm cùng mọi người. Vậy nên, “Hãy tắt khi không cần, để khi cần sẽ có điện”./.

Ngọc Hoa - Phòng Hành chính - Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com