Quá trình hình thành và phát triển sản phẩm Miến dong riềng đỏ của DNTN Xứ Nghệ - Nghĩa Đàn

           Miến dong riềng đỏ là một loại miến dai được làm từ củ dong riềng rất phổ biến hiện nay. Những củ dong riềng sau khi được thu hoạch sẽ được chọn lọc thật kỹ, đem rửa sạch và xay nhuyễn để lấy phần tinh bột. Phần tinh bột đó sẽ được trải qua một quá trình chế biến và trở thành những sợi miến dong có màu trắng ngà hoặc ngà nâu rất dai và ngon. Không giống với quá trình chế biến các loại mì, miến dong không phải trải qua việc chiên dầu mỡ mà được chế biến tự nhiên để không làm mất chất dinh dưỡng vốn có mà vẫn đảm bảo được độ dai, mềm. Vì lý do này mà ngày càng có nhiều người lựa chọn sử dụng miến dong bởi thành phần dinh dưỡng trong miến dong không bị mất đi dù trải qua quá trình chế biến. Mặc dù được chế biến từ tinh bột của củ dong riềng nhưng miến dong lại có tính mát, chứa nhiều chất xơ, không chứa chất béo cũng như bổ sung ít lượng calo nên rất phù hợp để ăn khi giảm cân, với những người bị bệnh tiểu đường, không sợ bị tăng hàm lượng cholesterol trong máu. Trong y học truyền thống, củ dong còn được sử dụng để làm thuốc nhờ tính mát, vị ngọt, có thể thanh nhiệt, an thần, giải cảm, chữa viêm gan, vàng da... và vì củ dong riềng rất lành tính, không có hóa chất nên miến dong rất an toàn cho người sử dụng.

          Trước đây miến dong được bà con sản xuất theo phương pháp thủ công và chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, ít được đem bán. Những năm gần đây do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chất lượng cao có lợi cho sức khỏe tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong, chế biến miến dong của Nghệ An phát triển. Vùng nguyên liệu miến được mở rộng bà con đã đưa thêm một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống nên không những giữ được chất lượng đặc trưng mà còn tăng thêm các giá trị mới: thẩm mỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có một số vùng nguyên liệu trồng củ dong riềng cho hiệu quả cao như xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn; xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Dong riềng là cây lấy củ, chống chịu hạn, rét tốt, ít sâu bệnh, thường trồng vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, tận dụng được cả đất vườn, đất khe, đất ruộng. Cây trồng phù hợp đất, sinh trưởng phát triển tốt, đạt sản lượng 200 tấn/ha. Giá trị kinh tế đạt gần 300 triệu đồng/ha. Tính trên cùng diện tích, lợi nhuận từ cây dong riềng cao gấp 2- 3 lần so với trồng ngô, sắn. Sản phẩm ngoài việc được thu mua, thân cây còn tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ rất hiệu quả. 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự Hội nghị mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm miến dong

Đa số các cơ sở chế biến miến dong ở Nghệ An gần như đều đã đạt tới “ngưỡng” sản xuất, chưa chủ động mở rộng sản xuất. Do đó, đa phần mang tính nhỏ lẻ, hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, chưa nâng cấp sản phẩm... Những hợp tác xã muốn mở rộng thì “lực bất tòng tâm” vì đủ nguồn lực đầu tư. Điều này dẫn tới nguy cơ làm mất thương hiệu, giảm diện tích, sản lượng, thiếu bền vững trong lâu dài. Trên thực tế, dư địa phát triển trồng, chế biến miến dong của Nghệ An khá lớn. Tuy nhiên, cơ sở chế biến có năng lực tại Nghệ An cũng chỉ đạt khoảng 40 tấn miến/năm. Do đó, những đơn hàng vượt trên con số này đều trở thành quá sức. Trong bối cảnh hiện tại, nếu cứ liên tục từ chối các đơn hàng với số lượng lớn thì nguy cơ đánh mất thành quả những năm qua là rõ ràng. Trên cơ sở đó Doanh nghiệp tư nhân Xứ Nghệ được thành lập và đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm miến đạt chuẩn lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Anh-tin-bai

Đoàn nghiệm thu Mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm miến dong

Được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2023 với số tiền 900 triệu đồng và sự hướng dẫn của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công Thương Nghệ An, Doanh nghiệp tư nhân Xứ Nghệ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm miến dong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm miến dong trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Việc phát triển các sản phẩm miến cao cấp, góp phần tạo giá trị sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho tỉnh, xây dựng mô hình sản xuất - tiêu dùng an toàn tại địa phương, hướng tới nâng cao đời sống, thu nhập ổn định của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động nhàn rỗi xã Nghĩa Long và xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn theo hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời khai thác lợi thế, tiềm năng hiệu quả trong việc sử dụng đất, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Sau khi đi vào sản xuất mỗi năm dự kiến sản xuất khoảng 250 tấn miến dong, doanh thu bình quân 20 tỷ đồng,  tạo việc làm 20 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 8 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Anh-tin-bai

Dây chuyền sản xuất miến dong của DNTN Xứ Nghệ

Mô hình được ứng dụng đi vào sản xuất, không những góp phần tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho lao động địa phương, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn mà còn góp phần ổn định an ninh chính trị, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, thành công của mô hình cũng khẳng định được những tác động tích cực, hiệu quả của chính sách khuyến công tới quá trình hoạt động và phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn./.

Hà Thị Hoàng Yến - Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com