Thông tư 12/2025 sửa đổi Thông tư 40/2017 về chế độ công tác phí, chi hội nghị
Ngày 19/03/2025, Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Thông tư 12/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ
sung Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày
28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội
nghị.
Cụ thể, Thông tư 12/2025/TT-BTC đã sửa đổi, bổ
sung Thông tư 40/2017/TT-BTC về chế độ
công tác phí, chế độ chi hội nghị, áp dụng từ ngày 04/05/2025. Sau đây là một số
quy định được sửa đổi cụ thể như sau:
* Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều
5 Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định về
tiêu chuẩn mua vé máy bay đi công tác trong nước:
Đối với lãnh đạo cấp cao (trên cấp Bộ
trưởng) thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Hạng ghế thương gia (Business class hoặc
C class) dành cho lãnh đạo cấp Bộ trưởng và các chức danh tương đương; Thứ trưởng
và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Phó trưởng các đoàn
thể chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Hạng ghế phổ thông đặc biệt, linh hoạt
(như: Premium, Deluxe, Plus, Flex,...) dành cho cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số
phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 0,8 đến 1,25 nhưng không thuộc đối
tượng mua vé hạng thương gia (Business class hoặc C class).
Trường hợp do yêu cầu công tác đột xuất
nhưng không mua được các hạng vé phổ thông, các cán bộ lãnh đạo được hưởng hệ số
phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó từ 0,8 đến 1,25 được mua vé máy bay
hạng thương gia (Business class hoặc C class). Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ở
trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ
thể về việc áp dụng quy định này bảo đảm phù hợp với đặc thù và khả năng cân đối
của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
- Hạng ghế phổ thông: Dành cho các đối
tượng còn lại.
* Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định về
thanh toán khoán kinh phí sử dụng ô tô khi đi công tác, khoán tiền tự túc
phương tiện đi công tác
- Đối với các đối tượng được sử dụng
xe ô tô để đi công tác: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 72/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng
9 năm 2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động còn lại không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác
mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự
túc phương tiện bảo đảm không vượt chế độ đối với các đối tượng quy định tại điểm
a khoản 2 Điều 5 Thông tư 40/2017/TT-BTC và phải được
quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
* Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BTC về công tác
phụ cấp lưu trú
- Phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ
thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công
tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công
tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú
tại nơi đến công tác). Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác
300.000 đồng/ngày.
Trường hợp đi công tác trong ngày (đi
và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú
theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi công tác trong ngày (bao gồm cả thời gian
đi trên đường), quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi
tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng
mức phụ cấp lưu trú: 400.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho
cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo). Trường
hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi
công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú
hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.