Nghệ An: Tình hình sản xuất Công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2023 ước tăng 12,57% so với cùng kỳ. Cụ thể: ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 37,09%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,19%; Công nghiệp khai khoáng giảm 6,84%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 6,35%.
Tháng 10 năm 2023, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, nhiều dự án mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tỉnh như: Viên nén sinh khối, hạt phụ gia Taical của các Nhà máy Mega, linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô… nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng sản lượng sản xuất do có các đơn hàng xuất khẩu, một số sản phẩm sản xuất tăng trưởng so với cùng kỳ như: Dock sạc ước đạt 2,2 triệu cái, gấp 2,4 lần; Sợi ước đạt 900,0 tấn, tăng 41,07%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 16,0 nghìn tấn, tăng 38,54%; Quần áo không dệt kim ước đạt 7,9 triệu cái, tăng 31,49%; Bia đóng chai ước đạt 4,8 triệu lít, tăng 24,92%; Loa BSE ước đạt 7,8 triệu cái, tăng 24,45%; Tôn lợp ước đạt 127,9 nghìn tấn, tăng 23,78%; Sữa tươi ước đạt 23,5 triệu lít, tăng 21,88%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 16,06%; Đá chế biến ước đạt 73,3 nghìn m³, tăng 15,42%; Thùng carton ước đạt 2,2 triệu chiếc, tăng 12,89%.
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do xuất khẩu giảm, không tìm kiếm được đơn hàng mới, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, một số nhà máy không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên liệu hoặc về chậm so với kế hoạch, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ nên sản phẩm sản xuất ra giảm như: Đá xây dựng khác ước đạt 259,1 nghìn m³, giảm 41,04%; Nước mắm ước đạt 37,2 triệu lít, giảm 17,9%; Bao bì bằng giấy ước đạt 3,3 triệu chiếc, giảm 16,13%; Sản phẩm điện sản xuất trong tháng ước đạt 462,3 triệu KWh, giảm 8,43%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 3,0 nghìn tấn, giảm 8,0%; Bột đá ước đạt 49,1 nghìn tấn, giảm 7,36%; Clanhke xi măng ước đạt 671,5 nghìn tấn, giảm 5,0%; Bia đóng lon ước đạt 9,2 triệu lít, giảm 3,95%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 2,4 triệu cái, giảm 3,89%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,92% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 24,24%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,36%; Công nghiệp khai khoáng giảm 1,70%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 8,64%.
Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tăng do các doanh nghiệp nỗ lực trở lại sản xuất, quy mô một số nhà máy được mở rộng, dự án mới đầu tư như viên nén, hạt phụ gia, hàng may mặc, mũ giày da xuất khẩu, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô đi vào hoạt động, nhu cầu một số sản phẩm tăng như: Vỏ hộp lon bia ước đạt 4,7 nghìn tấn, tăng 49,60%; Phân hóa học NPK ước đạt 44,1 nghìn tấn, tăng 32,61%; Tôn lợp ước đạt 1.165,9 nghìn tấn, tăng 31,98%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 30,0 nghìn tấn, tăng 25,97%; Nước mắm ước đạt 297,5 triệu lít, tăng 25,26%; Đá chế biến ước đạt 649,4 nghìn m³, tăng 15,98%; Đường ước đạt 84,4 nghìn tấn, tăng 14,42%; Thức ăn gia súc ước đạt 139,3 nghìn tấn, tăng 12,39%; Sữa tươi ước đạt 218,9 triệu lít, tăng 11,89%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 13,2 nghìn tấn, tăng 10,16%.
![]()
Một số doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước, đơn hàng xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao nên sản phẩm sản xuất ra giảm như: Bao bì bằng giấy ước đạt 37,3 triệu chiếc, giảm 23,78%; Đá xây dựng khác ước đạt 3,3 triệu m³, giảm 22,07%; Sợi ước đạt 7,7 nghìn tấn, giảm 21,38%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 26,5 triệu cái, giảm 16,46%; Điện sản xuất ước đạt 3.024,0 triệu KWh, giảm 11,23%; Loa BSE ước đạt 62,4 triệu cái, giảm 8,52%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 159,1 nghìn tấn, giảm 8,49%.
Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Mười tăng trưởng ổn định với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, được triển khai đã thúc đẩy sản xuất, giúp các nhà sản xuất kết nối với hệ thống phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2023 ước đạt 10.831,8 tỷ đồng, tăng 2,81% so với tháng trước, tăng 24,49% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 97.622,4 tỷ đồng tăng 17,14% so với cùng kỳ năm trước.
![]()
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2023 ước đạt 8.420 tỷ đồng, chiếm 77,73% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 4,98% so với tháng trước và tăng 23,52% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023 doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 76.006 tỷ đồng, chiếm 77,86% tổng mức bản lẻ hàng hoá dịch vụ, tăng 14,38% so với cùng kỳ năm trước. Có 7 nhóm ngành tăng so với 10 tháng năm trước, gồm: Lương thực, thực phẩm ước đạt 31.717,3 tỷ đồng, tăng 71,17%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy ước đạt 3.177,6 tỷ đồng, tăng 36,09%; Đá quý, kim loại quý ước đạt 438,3 tỷ đồng, tăng 18,43%; Nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) ước đạt 708,8 tỷ đồng, tăng 14,24%; Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước đạt 2.974,81 tỷ đồng, tăng 2,87%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 518,4 tỷ đồng, tăng 2,07%; Hàng hóa khác ước đạt 2.678,5 tỷ đồng, tăng 3,92%. Có 5 nhóm hàng giảm gồm: Ô tô các loại ước đạt 9.061,1 tỷ đồng, giảm 23,65%; Hàng may mặc ước đạt 3.568,2 tỷ đồng, giảm 13,36%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 5.988,7 tỷ đồng, giảm 8,73%; Xăng, dầu các loại ước đạt 9.916,9 tỷ đồng, giảm 7,93%; Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 5.257,4 tỷ đồng, giảm 0,83%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tháng 10 năm 2023 ước đạt 1.264,6 tỷ đồng, chiếm 11,67% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, giảm 4,98% so với tháng trước và tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống ước đạt 11.512,9 tỷ đồng, chiếm 11,79% tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, tăng 29,41% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.339,7 tỷ đồng, tăng 24,04%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 10.173,3 tỷ đồng, tăng 30,15%.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tháng 10 năm 2023 ước đạt 26 tỷ đồng, chiếm 0,24% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, giảm 32,84% so với tháng trước và tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023 doanh thu đạt 290,9 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 10 năm 2023 ước đạt 1.121,2 tỷ đồng, chiếm 10,35% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, giảm 2,16% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2023 doanh thu dịch vụ khác đạt 9.812,6 tỷ đồng, chiếm 10,05% tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ, tăng 24,44% so cùng kỳ.
Tháng 10, dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện và lây lan; giá xăng điều chỉnh 3 lần liên tiếp (ngày 02/10; 11/10;23/10) do ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Đây là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2023 giảm 0,16% so với tháng trước.
![]()
Có 6/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước đó là: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,29%; Giáo dục tăng 0,15%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,08%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%. Có 3 nhóm hàng hàng hoá có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm1,64%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,12%; Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,03%. Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá không tăng không giảm so với tháng trước là: Thuốc và dịch vụ y tế và Bưu chính viễn thông.
Bình quân 10 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước. Có 10 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Giáo dục tăng 10,49%; Nhà ở, điện nước và VLXD tăng 7,25%; Đồ uống và thuốc lá tăng 5,43%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,51%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,96%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,47%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,84%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,84%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,21%; Bưu chính viễn thông tăng 0,27%. Có 1 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ gồm: Giao thông giảm 3,45%.
Chỉ số giá vàng tháng 10 năm 2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 3,38% so với cùng kỳ. Giá vàng trong nước biến động cùng chiều theo giá vàng thế giới.
Chỉ số đô la Mỹ tăng 0,39% so với tháng trước, giảm 4,97% so với cùng kỳ. Bình quân 10 tháng năm 2023 giảm 4,51% so với cùng kỳ.
Trong những tháng cuối năm 2023, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành Công Thương phấn đấu thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Công Thương; tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chính như:
- Triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt.
- Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2025 theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập.
- Tập trung công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động: Dự án Everwin Precision giai đoạn 1; Dự án sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu Huali; Dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng; Nhà máy gỗ MDF Nghệ An,…, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất phát huy công suất, kinh doanh hiệu quả góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023.
- Khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng địa phương và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển của trung ương và của địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề; nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Phát triển hạ tầng Thương mại và hệ thống phân phối hàng hóa. Thực hiện tốt Kế hoạch phát triển TMĐT; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của địa phương; củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức tốt các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về vùng sâu, vùng xa. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hoá, giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng, đặc biệt trong dịp lễ, tết.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực Công Thương...