Nghệ An: Phát triển công nghiệp hỗ trợ điểm nghẽn sớm tháo gỡ

Công nghiệp hỗ trợ Nghệ An đang còn nhiều hạn chế, khó khăn dẫn đến tình trạng sản xuất phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Giải pháp để thu hút dự án công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chế biến, chế tạo nâng cao giá trị sản xuất đang là vấn đề đặt ra.

Một trong những yêu cầu, định hướng lớn để phát triển công nghiệp tại Nghệ An là phải ưu tiên đầu tư và thu hút những dự án có tính chất động lực, đầu tàu dẫn dắt nền công nghiệp; dự án phải có công nghệ, thiết bị hiện đại để chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng và hàm lượng trí tuệ cao; hạn chế chế biến, xuất khẩu sản phẩm thô. Cùng với đó là ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp phụ trợ nhằm thu hút lao động địa phương…Tuy nhiên trên thực tế, trong một thời gian dài, tỉnh chưa thu hút được các dự án công nghiệp mũi nhọn. Công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển nên ít có cơ hội cho doanh nghiệp nội tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu do các doanh nghiệp FDI mang lại. Đến thời điểm hiện nay, ngoại trừ ngành xi măng và bia đã có một số doanh nghiệp phụ trợ cung ứng các hạng mục như bao bì, vỏ, vận chuyển thì các sản phẩm công nghiệp khác đều chưa có doanh nghiệp phụ trợ đáp ứng được yêu cầu.

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Nghệ An. Tuy nhiên, trong khi số lượng nhà máy may ở Nghệ An khá nhiều thì doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ lại quá ít. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 1 nhà máy sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan sản lượng 20.000 tấn sợi/năm; 1 cơ sở thêu (Cụm công nghiệp Lạc Sơn, huyện Đô Lương) và khoảng 18 cơ sở dệt thủ công khác. Chỉ có 1 nhà máy sản xuất sợi là dây chuyền sản xuất Nhà máy Sợi Vinh được đầu tư từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Khó khăn về nguyên liệu khiến ngành dệt may vẫn trong vòng luẩn quẩn, phải nhập bông về xe sợi, sau đó bán sợi rồi nhập vải. Đại diện Công ty TNHH Prex Vinh cho biết: Ngành may đang phải nhập khẩu từ 60-70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là từ Trung Quốc. Ngành dệt may của ta mạnh về sợi, may nhưng thiếu khâu dệt nhuộm khiến các công ty phải xuất sợi sang Trung Quốc sau đó nhập vải về. Bất cập này khiến ngành dệt may của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu vải khiến giá trị cạnh tranh giảm. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu thay thế linh kiện máy móc ở các công ty may rất lớn nhưng các công ty đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may như ống nhựa cho ngành dệt, sợi tổng hợp, móc áo, nhãn mác, logo, khóa kéo, nút áo cho ngành may; các loại ghim cài, kẹp nhựa hay các sản phẩm hóa chất cho ngành dệt như thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học đều đang phải nhập từ nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may hiện vẫn đang thiếu và yếu.

Anh-tin-bai
 Công ty  cổ phần Trung Đô, trước đây sản xuất gạch ốp lát granite và ngói gốm sứ, mỗi khi dây chuyền thiết bị hỏng hóc phải chật vật tìm đối tác cung cấp thiết bị ngoại tỉnh về sửa chữa. Thậm chí các linh kiện như đai, bao bì đóng gói gạch, ngói cũng phải ra Hà Nội, Nam Định đặt hàng. Hiện nay, sản phẩm đá nung kết tấm lớn nhân tạo ra đời nhưng thiết bị thi công, keo dính đều phải phụ thuộc các doanh nghiệp ngoài nên giá thành sản phẩm tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Gần đây trong  hội thảo khoa học về công nghiệp Nghệ An đến năm 2030, một số chuyên gia kinh tế,  Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dệt may là nhóm ngành cần thiết phải có công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc vào đầu tư, trong đó một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền với quy mô khá lớn,... Việc phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu, phụ kiện khiến giá trị gia tăng ngành này chưa cao, cần thiết phải thu hút nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu. Trên thực tế hiện nay, công nghiệp dệt may Nghệ An là ngành chủ lực tạo ra nhiều việc làm, mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, nguồn nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu lỗ hổng này không được sớm khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương như CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn.

Anh-tin-bai

Các chuyên gia nhận định chung: Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải nhiều rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu. Chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế. Khả năng liên kết được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu linh kiện phụ tùng yếu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đang gặp khó khăn, hạn chế cần có chính sách thu hút để công nghiệp hỗ trợ phát triển phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…

Đến nay, cả nước mới có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong bức tranh chung đó, công nghiệp hỗ trợ của Nghệ An vừa yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên từng ngành, lĩnh vực còn ít. Các doanh nghiệp này vừa yếu về năng lực vốn, công nghệ, năng lực sản xuất, vừa hạn chế về phạm vi thị trường, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất.

Nghệ An đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Giai đoạn 2018-2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 10 -12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.

Một trong những yêu cầu, định hướng lớn trong phát triển công nghiệp của Nghệ An là ưu tiên đầu tư và thu hút được những dự án có tính chất động lực, đầu tàu dẫn dắt nền công nghiệp. Tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vệ tinh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp FDI là vấn đề đặt ra hiện nay. Để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất, cần có định hướng, mục tiêu cùng với hệ thống cơ chế, chính sách và những giải pháp thúc đẩy từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Mục tiêu phát triển công nghiệp Nghệ An trong những năm tới là vừa ưu tiên các ngành có lợi thế cạnh tranh, vừa tập trung chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh các ngành sản xuất thành phẩm cuối cùng…./.

Chế Thị Oanh - Phòng Hành chính Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com