image banner
Công văn tập trung ứng phó với bão Noru (bão số 4 năm 2022)
Lượt xem: 145

Kính gửi:

 -   UBND các huyện, thành phố, thị xã;

-   Các chủ đầu tư dự án thủy điện;

-   Công ty Điện lực Nghệ An; Truyền tải điện Nghệ An;

-   Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng ngày 26/9, bão Noru đã vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14 và có xu hướng mạnh thêm; dự báo đến ngày 27/9, sáng ngày 28/9 bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16.

Thực hiện Công điện số 5712/CĐ-PCTT ngày 24/9/2022 của BCH Phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN Bộ Công Thương; Công điện số 08/CĐ-BCH ngày 24/9/2022 của BCH PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An; Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 25/9/2022 của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An; để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị thực hiện các nội dung sau:

1.  Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã:

 Triển khai thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường phù hợp với kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương. Thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu (mì tôm, nước lọc, gạo tẻ, xăng dầu…), chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt.

 Chỉ đạo, tuyên truyền các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, chủ động kiểm tra, đảm bảo an toàn kho tàng, hàng hóa, nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng hàng cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau khi bão xảy ra.

- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn khi mưa bão xảy ra, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Phối hợp với lực lượng liên quan để xử lý các trường hợp đầu cơ, găm hàng hóa để trục lợi bất chính gây bất ổn thị trường, làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân.

- Chỉ đạo và phối hợp với Điện lực cấp huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa bão có khả năng diễn biến phức tạp, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn công trình điện lực.

- Các huyện có công trình, dự án thủy điện giám sát, triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản và nhân dân vùng hạ du các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập, hồ chứa thủy điện trong việc vận hành hồ chứa theo quy trình đã phê duyệt.

- Rà soát, kiểm tra việc thực hiện áp dụng các hình thức cảnh báo, thông báo vận hành, xã lũ đến nhân dân vùng hạ du của các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các dự án đang xây dựng dừng mọi hoạt động thi công, di dời người và thiết bị về vị trí an toàn trước khi bão lũ xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo quy định.

2. Các Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện

- Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình.

- Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa và vùng hạ du.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xã lũ, cửa nhận nước....khắc phục các khuyết điểm (nếu có) để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa, hạn chế gây áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ. Đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

3. Các công trình thủy điện đang xây dựng

- Dừng mọi hoạt động thi công, di dời người và thiết bị về vị trí an toàn trước khi mưa lũ xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.

- Rà soát và có phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với các hạng mục đang dở dang có nguy cơ sạt trượt, mất an toàn.

4. Công ty Điện lực Nghệ An; Truyền tải điện Nghệ An

- Triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa lớn có khả năng diễn biến phức tạp, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn công trình điện lực.

- Rà soát các điểm có nguy cơ mất an toàn, các điểm có cây cối trong và ngoài hành lang có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình để có giải pháp và cùng phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn vận hành.

- Đối với các công trình đang thi công dở dang, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn không để sự cố xảy ra.

- Chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.

- Trường hợp bắt buộc phải cắt điện, yêu cầu phải khẩn trương xây dựng phương án cấp điện trở lại khi nước rút để đảm bảo đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

5. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản

- Nghiêm túc triển khai phương án phòng chống mưa bão của đơn vị theo phương châm 4 tại chỗ.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải các hồ chứa quặng đuôi... để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, không đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn kéo dài, ngập úng.

- Tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do mưa bão gây ra trong thời gian nhanh nhất.

 

Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện, tổ chức trực ban 24h/24h và thường xuyên báo cáo tình hình, diễn biến, thiệt hại... về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, PCTT và TKCN Bộ Công Thương./.

 

GIÁM ĐỐC

(ĐÃ KÝ)

Phạm Văn Hoá

Tải về

Văn Long
Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở

Trụ sở: Số 70 - Nguyễn Thị Minh Khai - Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3 844 970 - Email: ct@nghean.gov.vn