image banner
THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ THÁNG 10 NĂM 2022
Lượt xem: 81

THÔNG TIN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

THÁNG: 10 NĂM 2022

 

I. HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU

- Tính trong 3 quý/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 557,93 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 72,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; trị giá nhập khẩu là 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%, tương ứng tăng 31,26 tỷ USD, đến hết quý III/2022.

- Nghệ An, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2022 dự ước đạt 190 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 11 tháng lên 2.028,2 triệu USD, tăng 6,32% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11/2022 dự ước đạt 80 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng lên 1.123,5 triệu USD, tăng 27,87% so với cùng kỳ.

II. THÔNG TIN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

- CPTPP đề cập việc kết nạp thành viên mới: Tuyên bố chung phiên họp cho biết các thành viên CPTPP hoan nghênh các tiến bộ trong các cuộc thảo luận về tiến trình gia nhập của Anh, khẳng định các tiêu chuẩn cao của CPTPP sẽ được áp dụng trong tiến trình này. Tiến trình xem xét, đàm phán gia nhập của Anh sẽ là tiền đề để áp dụng cho việc kết nạp các thành viên mới vào CPTPP trong tương lai (CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore vào tháng 12/2018; Việt Nam vào tháng 1/2019; Peru vào tháng 9/2021; Malaysia vào tháng 11/2022. Hiện chỉ còn Brunei và Chile chưa hoàn thành các quy trình phê chuẩn Hiệp định này).

- Từ ngày 11 đến 13 tháng 10 năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến công tác sang Liên bang Nga nhằm trao đổi hợp tác song phương với Liên bang Nga, tham dự Khóa họp IV Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VNEAEU FTA) và chuẩn bị cho việc tổ chức Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật và tham dự Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”.

- Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức thành công chương trình xúc tiến trong lĩnh vực logistics cho gần 30 doanh nghiệp logistics Việt Nam từ ngày 11 đến 18 tháng 10 năm 2022 tại CHLB Đức.

III. PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI, XUẤT XỨ HÀNG HÓA

- Ngày 29 tháng 9 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (CQĐT) đã thông báo khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm nhựa PVC.

- Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phi-líp-pin (DTI) ra quyết định đối với vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hạt nhựa mật độ cao (High-Density Polyethylene – HDPE) (thuộc mã AHTN 3901.20.00) nhập khẩu.

- Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1991/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Ma-lai-xi-a và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn.

- Ngày 12 tháng 10 năm 2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ (riêng Ấn Độ bị yêu cầu điều tra thêm chống trợ cấp). Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong giai đoạn 2019-2021, trị giá xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng hơn 5 lần từ 6 triệu đô-la Mỹ năm 2019 lên gần 31 triệu đô-la Mỹ năm 2021.

IV. THÔNG TIN THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI

- Ngày 25 tháng 10 năm 2022, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc theo hình thức trực tuyến. Tại Kỳ họp, hai Bên điểm lại tình hình hợp tác kinh tế thương mại và công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc kể từ Kỳ họp lần thứ 10 (tháng 10 năm 2017) đến nay. Hai Bên nhất trí đánh giá, mặc dù đại dịch COVID-19 và nhiều biến động địa - chính trị trên thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.

- Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hàng hóa tắc nghẽn tồn đọng tại các cửa khẩu, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp, phương án thông quan đảm bảo an toàn tại các cửa khẩu, lối mở. Từ đầu năm đến nay, tại các cửa khẩu, lối mở ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và Lạng Sơn..., việc giao lưu hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 14/9, tổng trọng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu cũng chỉ đạt 582.657 tấn, giảm nhiều so cùng kỳ 2021. Tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) - Lý Hỏa (Trung Quốc) cũng đã dừng hoạt động từ ngày 28/9 đến hết ngày 7/10/2022.

Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ còn 4/12 cặp cửa khẩu là Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc); Cửa khẩu phụ Tân Thanh (Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma (Lộc Bình) và ga đường sắt Đồng Đăng, cơ bản duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

V. THÔNG TIN VỀ THỊ TRƯỜNG, LẠM PHÁT THẾ GIỚI

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay các quốc gia trên thế giới phải đối mặt áp lực lạm phát lớn. Tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát được dự báo bình quân là 9,9% trong năm nay. Còn ở các nước phát triển, con số này là 7,2%.

- Fed tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 11?: Lãi suất chính sách của Fed hiện nằm trong phạm vi 3 - 3,25% - cao hơn 3% so với mức đầu năm 2022 và các quan chức đã đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào cuối năm nay và năm 2023. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (Hơn 70% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam sử dụng đồng USD trong thanh toán) việc tăng lãi suất ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu, các khoản vay nợ nước ngoài (VTV).

- Hàng Việt ở châu Âu khiêm tốn, dù có EVFTA: nguyên nhân do khoảng 8% DN hiểu khá rõ về EVFTA, bên cạnh đó DN xuất khẩu Việt chủ yếu đưa hàng sang các thị trường truyền thống như Pháp, Đức, Italia… Trong khi rất nhiều thị trường khác có tiềm năng tăng trưởng cao như Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch… lại chưa được DN chú ý nhiều (www.saigondautu.com.vn(25/10/2022).

- Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%... Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

- Tây Ban Nha là đất nước cuối cùng ở châu Âu chính thức gỡ bỏ các quy định phòng dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Các quy định xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được loại bỏ (baochinhphu.vn).

- ASEAN và EU ký kết Hiệp định vận tải hàng không liên khối: Theo đó, các hãng hàng không của ASEAN và EU sẽ có thể bay với số lượng dịch vụ không giới hạn giữa 2 khu vực. Ngoài ra, các hãng hàng không của mỗi quốc gia trong một khối sẽ có thể bay tối đa 14 dịch vụ hành khách hằng tuần và dịch vụ hàng hóa không giới hạn đến từng quốc gia thuộc khối kia. hiệp định này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho ngành hàng không của 37 quốc gia thành viên thuộc hai khối này baochinhphu.vn)./.

 

 

 

Phòng Quản lý XNK
Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở

Trụ sở: Số 70 - Nguyễn Thị Minh Khai - Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3 844 970 - Email: ct@nghean.gov.vn