Sản phẩm OCOP Nghệ An lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo

Tỉnh Nghệ An xác định phát triển Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm theo hướng bền vững nhất, lấy chất lượng và thương hiệu làm thước đo.

Sau hơn 4 năm, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả thể hiện tính bứt phá, sáng tạo đã đưa sản phẩm Nghệ An tịnh tiến theo hướng tích cực, vừa dồi dào về số lượng lại phong phú về chủng loại, chất lượng, giá trị, mẫu mã. Thu nhập từ kinh doanh tăng vọt giúp chủ thể yên tâm gắn bó với nghề, đồng thời nâng tầm diện mạo nông thôn của địa phương.

Đến nay, Nghệ An có hơn 400 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Số sản phẩm tham gia đánh giá và xếp hạng tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2019 chỉ có 48 sản phẩm được đánh giá xếp hàng, thì con số này năm 2020 là 68, năm 2021 là 139 và đến 2022 là 160. Con số trên giúp Nghệ An đứng thứ hai cả nước về sản phẩm được gắn sao (chỉ xếp sau thành phố Hà Nội).  Sản phẩm OCOP Nghệ An trải dài trên đầy đủ các lĩnh vực, từ tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp… mỗi mặt hàng đều có những nét đặc thù riêng biệt, được số đông khách hàng ưu tiên chọn lựa.

Anh-tin-bai

Số lượng đi kèm với chất lượng, dòng sản phẩm OCOP của Nghệ An đáp ứng quy chuẩn an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Điển hình phải kể đến các mặt hàng sản phẩm của Công ty TNHH Đức Phong; Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát; Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Quê Bác;…

Ngay từ đầu, Nghệ An đã xác định “tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP là chìa khóa thành công”, đó là lý do các hoạt động xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong 4 năm qua.

Các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại,... của tỉnh luôn ưu tiên lựa chọn các chủ thể đạt sản phẩm OCOP để hỗ trợ: đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới; tuyên truyền sản phẩm trên sóng truyền hình, Bản tin Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ tham gia hội chợ, hội thảo,…

Bằng nhiều hình thức, tỉnh Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP nhờ các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay Nghệ An đã có nhiều sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã tích cực tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu và một số chương trình chuyên ngành khác. Ngoài ra là hàng chục điểm bán hàng OCOP tại các địa phương, mỗi chủ thể đều cho thấy sự chủ động, hăng hái, muốn góp sức mình vào thành công chung.  

Điểm bán hàng là cầu nối để các sản phẩm sạch, chất lượng được biết đến rộng rãi hơn nữa. Xa hơn giúp người tiêu dùng tiếp cận trực diện với các mặt hàng sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.

Đậu Thị Nghệ - Phòng Hành chính Tổng hợp
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com